10 vạn câu hỏi vì sao của phụ huynh

Câu hỏi của phụ huynh

Làm việc tại trường mầm non cũng có muôn vàn những câu chuyện thú vị. Thi thoảng mình sẽ gặp những câu hỏi như thế này:

– Tại sao trên web của trường lại không đăng hồ sơ lý lịch của giáo viên để phụ huynh biết giáo viên bằng cấp, trình độ như thế nào để yên tâm gửi con?

– Cô cho mẹ hỏi trường sử dụng loại máy giặt gì? Công suất bao nhiêu, thời gian giặt đồ, lượng nước mỗi lần giặt, loại bột giặt và bao lâu sẽ giặt một lần?

– Tại sao nhà trường không dạy như trường nhà nước mà phải đưa phương pháp hiện đại vào chương trình? Trẻ em còn quá nhỏ, liệu chúng có tiếp thu được hết kiến thức từ các nền văn hóa khác như vậy không?

– Bao lâu thì các con được đi dã ngoại? Mẹ thấy trường có lắp đặt tivi trong phòng, mẹ có thể yêu cầu gỡ bỏ được không ạ? Vì bé của mẹ ở nhà rất thích xem tivi, mẹ không muốn đi học con lại tiếp tục xem tivi nữa.

– Tại sao bé đi học 2 tuần rồi mà cô giáo vẫn chưa tập được cho con bỏ bỉm? Ngày nào mẹ cũng phải mang theo bỉm mẹ thấy chưa hài lòng.

– Bây giờ bé học Montessori, Steam, Reggio emilia,… nhưng khi lên lớp 1 thì bé có theo được chương trình đó nữa không? Số trường cấp 1 chuyên những phương pháp đó lại rất hiếm, hầu như không có. Vậy thì có nhất thiết cho bé học theo phương pháp của trường hay không? Cô cho mẹ lý do để mẹ cho bé đăng ký nhập học ở trường đi ạ?

– Bao lâu thì bé tự lập được mọi thứ? Nhà trường có cam kết nào không? Và các bé đã ra trường năm vừa rồi có ai đạt được thành tựu gì nổi bật không?

Và hàng vạn câu hỏi vì sao của phụ huynh mà thỉnh thoảng mình gặp phải như vậy nữa. Trước kia mình cực kỳ ”bối rối” với những câu hỏi đấy thì bây giờ mình có cái nhìn khác đi.

Nói vậy không phải cổ vũ việc phụ huynh gây khó dễ mà là mình cảm thấy nhờ những lần như thế mình lại có nhiều hơn những trải nghiệm thú vị. Và hơn nữa phụ huynh có nhu cầu tìm hiểu thì họ mới hỏi, hỏi càng nhiều thì chứng tỏ đang quan tâm đến trường. Ai cho con đi học mà không có những thắc mắc như trên. Trong lòng các mẹ là những trăn trở, lo toan nhiều ngày trước khi cho con đi học. Mình sợ nhất là không hỏi gì rồi lặng lẽ phát tán những thông tin sai lệch.

Với riêng mình thì qua những tình huống càng rắc rối bao nhiêu thì mình lại càng học được nhiều điều hay bấy nhiêu. Nhất là việc giao tiếp khéo léo, xử lý tình huống, lắng nghe góp ý của mọi người và các kỹ năng khác. Nhiều khi mình nghĩ nghề mầm non cứ như làm dâu trăm họ.

Trải qua biết bao nhiêu chuyện như thế, không hiểu sao đến bây giờ mình vẫn còn trụ lại. Âu cũng là cái duyên. Hôm nào thư thả mình lại kể thêm về chuyện ở trường mầm non, để thấy rằng các cô giáo vất vả nhường nào và phụ huynh cũng có những nỗi khổ ra sao.

Đơn cử như trong các hội nhóm review trường hoạt động rất sôi nổi. Mà có khoảng thời gian mình từng tàu ngầm trong đó. Sáng nào mình cũng vào check xem trường mình có biến gì không. Sau dần mình bỏ theo dõi luôn nhóm đấy, rồi chỉ tập trung giải quyết chuyện thực tế tại trường. Kể từ đấy mình cảm thấy lòng nhẹ hơn và tập trung chuyên môn được nhiều hơn.

Sau này khi nghe podcast của anh Hiếu TV mình mới hiểu hơn về triết lý kinh doanh của anh ấy. Các công ty đa số sẽ có bộ phận phân tích đối thủ nhưng riêng công ty của anh và những công ty khác thì không.

Câu nói của anh khiến mình nhớ mãi đó là: “Cứ tập trung vào chuyện của mình, cặm cụi làm việc, khi ngẩng đầu lên thì thấy mình bỏ xa người khác một đoạn dài rồi.” 

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc lắng nghe và thấu hiểu đối với mình vẫn là việc ưu tiên. 2022 với mình là một năm lắng – nghe – không – phán – xét.

À, tý nữa lại quên. Mình xin trả lời sơ qua về một trong các câu hỏi ở trên:

  1. Trên web trường không nhất thiết phải đăng ảnh giáo viên kèm bằng cấp chứng thực. Nhà trường đã có bộ phận nhân sự và phòng giáo dục quản lý. Tất nhiên giáo viên đứng lớp phải có bằng sư phạm và trình độ chuyên môn mới có thể đảm đương trách nhiệm. Có phụ huynh bảo rằng những tin tuyển dụng giáo viên Montessori thường yêu cầu sơ sài thì liệu cô giáo có dạy được không hay chỉ bày giáo cụ để trẻ tự chơi? Có một sự thật rằng ở trường Đại học vẫn chưa có chương trình dạy chuyên sâu về các phương pháp hiện đại như Montessori, Steam, Reggio Emilia,… Mà tùy theo trường mầm non áp dụng phương pháp nào thì sẽ đào tạo cho giáo viên để họ biết cách giảng dạy. Ở Việt Nam dù dạy theo bất cứ phương pháp hiện đại tới đâu cũng đều tuân thủ theo chương trình của Bộ giáo dục theo thông tư 28.
  2. Đối với những câu hỏi về máy giặt, bột giặt, lượng nước khi giặt thì thường đây là những phụ huynh chú ý và quan tâm đến vệ sinh của con rất nhiều. Thường thì mình sẽ không trả lời số liệu của phụ huynh yêu cầu vì có nói cũng không giải quyết được vấn đề gốc rễ đó là họ đang lo lắng liệu ở trường có đảm bảo như ở nhà hay không. Tâm lý phụ huynh khi lần đầu cho con đi học thường hoang mang về rất nhiều thứ. Con rồi cũng sẽ lớn, sẽ rời khỏi vòng tay của cha mẹ để đến chân trời rộng lớn hơn. Ba mẹ hãy cho con được tiếp xúc, được va chạm để tuổi thơ con là những trải nghiệm đáng nhớ.

Những câu hỏi kế tiếp nếu có dịp mình sẽ viết chi tiết hơn. Trong giới hạn bài này mình chỉ đề cập về việc nỗi lo lắng của phụ huynh khi cho con đi học.

Mọi người có góc nhìn như thế nào về vấn về này? Hãy cùng chia sẻ với mình nhé!

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *