Hôm vừa rồi mình ngủ sớm một hôm, nửa đêm tỉnh dậy lướt facebook, đập vào mắt mình là dòng tus của một bạn về việc “Đừng ai bàn đến vấn đề cảnh tỉnh cha mẹ sau vụ việc hôm nay”.
Mình không hiểu tại sao phải cảnh tỉnh và cảnh tỉnh việc gì thì ngay những post bên dưới đã đề cập đến.
Trước giờ, sau mỗi câu chuyện như thế mình chỉ lặng lẽ đọc comment, lặng lẽ đọc những bài chia sẻ từ những người làm cha mẹ, những người giáo viên,… Tuyệt nhiên, mình không để lại bất kỳ dòng chữ nào. Bởi vì “nỗi đau của người khác không phải là kẹo cao su để nhai đi nhai lại”.
Nhưng trong mình luôn đau đáu những ý niệm về học cách lắng nghe người khác. Mình lập ra group với mục đích chính là kết nối và học cách thấu hiểu giữa hai thực thể người lớn và trẻ em.
Thế nên, đã từ rất lâu mình luôn ấp ủ về cuốn sách “Cách để trẻ em đối phó với người lớn”. Và đằng sau đó còn có lý do to lớn khác để mình – một người chưa làm mẹ nhưng lại muốn viết nhiều hơn về chuyện trẻ em.
Thật xấu hổ khi nói ra chuyện này, về việc những năm trước đây mình không hề thích trẻ em, mình lại không thích tiếp xúc với những em bé “đặc biệt” được cho là tăng động, tự kỷ, giảm chú ý,… Thậm chí mình hay nổi cáu với những hành động vô lý của trẻ. Nhưng càng về sau này mình lại chú ý nhiều hơn về hành vi của các bạn ấy tại những nơi mình làm việc. Mình quan sát và học cách lắng nghe nhiều hơn.
Trong mình là những tò mò về thế giới bí ẩn của trẻ. Đằng sau những câu nói, sau những hành động đều chứa đựng những tâm tư nào đó.
Chấp nhận mình không hoàn hảo để thấy rằng ai trong chúng ta cũng đều có những thiếu sót. Ngay cả những người làm cha mẹ hay làm giáo viên đều cần học cách lắng nghe, học cách thấu hiểu để tình yêu thương của mình được đặt đúng chỗ.
Những đứa trẻ được cho là chậm hơn những bạn bình thường nhưng thật ra bên trong chúng là những tiềm năng chưa được phát hiện.
Tháng trước, mình có cuộc gặp gỡ với một người chị mà trước đây mình từng làm việc cho chị ấy. Chị nhận trông những đứa trẻ đặc biệt, sau 5 năm gặp lại, suốt buổi cafe hai chị em chỉ nói về những đứa trẻ.
Chị kể về việc bọn trẻ khó khăn trong việc học nói, đi đứng, ứng xử,… ra làm sao. Sau mỗi lời nói của chị, điều đọng lại trong mình là tình thương vô điều kiện, là sự kiên nhẫn, bao dung của chị dành cho học trò của mình.
Chị bảo nếu có gặp ai đang buồn chán về cuộc đời hãy giới thiệu họ đến nơi chị, để thấy rằng là một người bình thường sống theo cách bình thường đã là một đặc ân, là may mắn hơn nhiều so với những người khác.
Đằng sau mỗi câu chuyện luôn ẩn chứa những điều mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. Chính vì thế mình ít khi tranh luận ai đúng ai sai. Về khía cạnh nào đó mình cho rằng ai cũng có lý do cho những hành động của mình bất kể điều đó là trái đạo lý.
Mỗi người có kiểu thể hiện yêu thương khác nhau, đằng sau thái độ cộc cằn, những lời quát tháo đôi khi cũng xuất phát từ tình yêu thương. Ở góc độ của họ, ở thời điểm đó, họ cho là đúng và họ không biết làm cách nào khác đi.
Những người ngoài cuộc, nhìn câu chuyện theo một chiều thì chẳng thể nào hiểu hết được tận sâu bên trong mỗi người là những chất chứa to lớn dường nào.
Hành trình thấu hiểu để yêu thương là hành trình dài, gian nan và vất vả nhưng đáng. Mong rằng chúng ta sẽ là người bạn, người đồng hành, người lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các con để mỗi giây phút trôi qua đều ý nghĩa và hạnh phúc. Vì hạnh phúc là đích đến của cuộc đời mỗi người.
Có một câu nói mình rất thích: “Sao không thử một lần lặng im, để nghe thấy tiếng nhịp tim mọi người”.