Những ngày này, mọi người hẳn đã nghe nhiều về Vlog của “chị gái váy hồng” và không khỏi ngưỡng mộ việc chị đã mạnh dạn thừa nhận con người thật của mình.
Mình nhớ có một câu trong tập podcast của thầy Minh Niệm đó là: “Một sớm mai nào đấy khi thức dậy, cha mẹ hãy thử nhìn lại, có phải cha mẹ đã dành những điều tốt đẹp nhất cho con trừ việc cho con quyền được là chính mình?”
Hôm rồi, mình nghe chị đồng nghiệp kể về chuyện chọn ngành học cho con trong buổi họp phụ huynh đầu năm lớp 10. Cô giáo bảo gia đình phải xem xét kỹ cùng con chọn ban để theo học trong suốt 3 năm Trung học phổ thông. Chị bảo con chị thích làm bác sĩ, nhưng chị lại hướng con theo IT vì nghe bảo IT lương cao. Hơn nữa chị cho rằng với học lực của con, chị thừa biết sẽ không làm được bác sĩ.
Cũng tuần vừa rồi mình nói chuyện với đứa em sắp thi đại học. Em gửi mình xem điểm xét tuyển học bạ đủ để học một ngành ở trường Đại học Sư phạm. Mình hỏi em học ngành này ra sẽ làm gì? Em bảo trong tờ tư vấn người ta nói ngành này học ra làm gì cũng được, thuyết minh cũng được, truyền thông – sự kiện cũng được, du lịch cũng được,… Em bảo giờ em không biết sau này sẽ làm gì nên cứ học trước rồi tính sau.
Có người biết rõ mình sẽ đi đâu về đâu, có người lại bước đi trong vô định để mong tìm một tia sáng và cũng có người có ước mơ hoài bão nhưng buộc phải rẽ hướng khác theo sự sắp đặt sẵn.
Đứa con nào lại không thương cha mẹ, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn của những đứa con vẫn hờn trách bố mẹ vì đã không để con được là chính mình.
Mình có hỏi một đứa em rằng: “Em sắp sang Úc học lại rồi, xa ba mẹ em có thấy buồn không?”. Em bảo có một chút cô đơn, cô một chút tủi thân nhưng em được tự do không phải chịu sự kiểm soát của bất kỳ ai và em cảm thấy thoải mái với điều đó. Đã nhiều lần em kể về việc em cảm thấy áp lực trong chính ngôi nhà của mình.”
—-
Ở những ngôi trường theo chuẩn phương pháp Montessori, người giáo viên đã ngầm định hướng sự phát triển của trẻ thông qua sự quan sát. Mỗi đứa trẻ sẽ phát triển vượt trội ở một số khía cạnh, việc phát hiện và tạo cơ hội để trẻ phát huy tiềm năng đó sẽ là lợi thế lớn cho trẻ sau này.
Việc chấp nhận cá tính, chấp nhận sự khác biệt của con là một điều rất khó đối với người lớn. Không chỉ trong nuôi dạy con cái mà trong các mối quan hệ xã hội cũng vậy. Đôi khi chúng ta rất khó chấp nhận sự khác biệt, sự vô lý không thuận ý mình từ người khác.
Nhưng chúng ta quên rằng xã hội này cần nhiều giá trị khác nhau cơ mà. Con cái cũng vậy, mỗi đứa trẻ là một loài hoa khác nhau góp phần tô đẹp khu vườn sắc màu và tỏa hương theo một cách riêng nào đó.
Khoa học đã chứng minh có 8 loại trí thông minh mà mỗi người đều sở hữu ít nhất 1 loại trong số đó. Có thể cùng một độ tuổi nhưng có bạn lại thông minh về âm nhạc, có bạn thông minh về ngôn ngữ, thiên nhiên, toán học,… Hoa hồng không thể nào là hoa cúc và cũng chẳng thể là hoa mai. Cũng chẳng có khuôn mẫu nào là hoàn chỉnh, mỗi thời đại mỗi khác. Không thể lấy hệ quy chiếu của thời đại này áp đặt lên thời đại khác. Sự sáng tạo sẽ bị kìm hãm dưới sự áp đặt hình mẫu như thế.
Hãy để trẻ được là chính mình. Hãy trao cho con quyền được làm con. Hãy dạy cho trẻ cách đón nhận mọi thứ, học thông qua thất bại và chịu trách nhiệm với những gì mình quyết định. Hãy để con có không gian, được tự do trải nghiệm trong cung đường đầu đời từ tuổi ấu thơ đến khi trưởng thành. Và tránh trường hợp khi ở độ tuổi ra trường năm 22 con lại một lần nữa chao đao học lại từ đầu.
Đừng can thiệp quá sâu mà hãy là một người bạn đồng hành xuất hiện mỗi khi con cần. Con là con của đất trời, đâu chỉ riêng cha mẹ. Cha mẹ rồi cũng sẽ rời đi, con cái lại tiếp tục hành trình dài. Liệu cha mẹ có muốn con chao đảo khi mất đi điểm tựa và không biết nên làm gì tiếp theo?
Đại dịch đã cho chúng ta nhận ra được rằng con chỉ cần bình yên, khỏe mạnh, sống hạnh phúc thôi còn việc hơn thua với đời, chọn trường nào, yêu ai, làm gì,… không quá quan trọng nữa.
Như Vũ Cát Tường, chị đã có một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc với cá tính của mình. Như thầy Minh Niệm đã nhận được sự ủng hộ của song thân để trở thành nhà truyền cảm hứng, nhà chữa lành, nhà tâm lý trị liệu như hôm nay,… Và còn rất nhiều trường hợp khác đã lấy hạnh phúc là mục tiêu sống cho mình.
Bài hát “Hai mươi hai” của Amee cũng phần nào nói lên được điều này:
“Hãy làm điều mình tự hào” – mẹ nói lúc con lên 10
“Đừng làm điều mình ngần ngại” – mẹ nói lúc con 12
Dù cho đôi lúc, con sai đường và quên lối đi
Trưởng thành là điều tuyệt vời để từ sai ta học cho đúng.
Sau này năm con 22 sẽ thấy màu mắt của con thật xinh
Thấy giọng ca ngân nga trong vắt có khi lại khiến con rất đặc biệt
Và hãy nhớ rằng trên đời này
Không ai phải giống ai
Nên là năm con 22
Hãy sống hồn nhiên giống như mười hai
Tình đầu là điều tuyệt vời mà con khắc ghi suốt đời.
Từng chạm và từng dịu dàng làm tim của con rối bời
Đừng quan tâm quá con sẽ cùng cậu ta đến đâu
Kỉ niệm là điều ở lại dù ai có đi xa mãi.”