Đọc sách dễ dàng hơn cùng con nhờ những mẹo này

Đọc sách dễ dàng hơn cùng con nhờ những mẹo này

Khi dịch covid ập đến, bạn ở nhà quanh quẩn làm bạn với bếp núc, chồng con, chuyện nhà chuyện cửa. Đôi khi bạn cáu bẳn với mọi thứ. Nhưng nhìn theo một hướng khác thì đây là cơ hội để gia đình bạn kết nối tình cảm với nhau nhiều hơn.

Đây cũng là thời điểm tuyệt vời để tạo lập thói quen đọc sách cho con. Lúc này bạn vừa có thời gian thư thả hơn và vừa hay con bạn cũng ở nhà nghỉ dịch. 

Nhưng bạn bâng khuâng lo lắng không biết chọn sách gì cho con vì có quá nhiều đầu sách. Hoặc bé nhà bạn không chịu hợp tác hay bạn không biết cách tương tác với con như thế nào khi đọc sách. Dưới đây Huỳnh sẽ chia sẻ một số cách hy vọng có thể giúp bạn giải quyết được những vấn đề trên.

1. Lựa chọn sách phù hợp với lứa tuổi và sở thích:

– 0 -3 tuổi: Độ tuổi này các bé nhìn mọi thứ một cách mới lạ. Và luôn mang trong mình tâm thế khám phá thế giới.Trẻ như miếng bọt biển, hấp thụ tất cả những gì xung quanh trẻ. Chính vì thế, đây là khoảng thời gian bạn cho con tiếp xúc nhiều hơn với thế giới xung quanh.

Vậy phải tiếp xúc như thế nào để đạt hiệu quả? Đó là tiếp xúc bằng 5 giác quan và luôn giới thiệu cho trẻ những cái gần gũi xung quanh trẻ. Những cái đơn giản như vậy thôi nhưng nó sẽ tạo sự tò mò về mọi thứ, tích lũy dần vốn từ và hình ảnh trong não trẻ. Khi đó việc lựa chọn sách cùng chủ đề mà trẻ hứng thú sẽ dễ dàng hơn.

Ở bất kỳ độ tuổi nào đi nữa thì việc quan sát sở thích của trẻ là điều cần thiết trong việc chọn sách thích hợp cho con. Một số gợi ý chủ đề sách cho lứa tuổi này: về con vật, đồ vật, cây cối, hiện tượng tự nhiên,… những cái gần gũi xung quanh trẻ.

– 3 – 5 tuổi: Độ tuổi này trẻ đã thu thập kha khá thông tin xung quanh và đây là độ tuổi đặt câu hỏi “vì sao” nhiều nhất khiến cả nhà nhiều khi cũng “bó tay” với những câu hỏi ngớ ngẩn của trẻ. Độ tuổi này trẻ đã biết kiến thức nào là đúng là sai và có quan điểm riêng của mình nên ba mẹ cần tương tác, hỗ trợ những thắc mắc đó một cách khéo léo. Trẻ luôn quan tâm đến những thứ nhỏ nhặt mà người lớn chúng ta ít để ý đến.

Chẳng hạn như chúng luôn để ý đến “cục cít” và đặt những câu hỏi khiến chúng ta không biết nên trả lời như thế nào. Cũng giống như việc trả lời câu hỏi “con sinh ra từ đâu” cho trẻ vậy. Thật may là chúng ta đã có vị cứu tinh là sách hỗ trợ trong việc giải đáp các câu hỏi này của trẻ. 

Một số đầu sách ehon cho độ tuổi này: “Chuyện những cái răng”, “Tất cả đều đi ị”, “Chú sâu háu ăn”, “Chuyện xì hơi”, “Tác dụng của cái đuôi”, “Bồ công anh”, “Cuốn sách tranh đầu tiên về số”, “Các động vật nhỏ trong trường”,… (Những chủ đề này khiến các con tò mò và gây cười).

– 5-6 tuổi: Lúc này các bạn đã biết nhiều rồi, thế giới của các bạn rộng hơn và muốn biết những cái to lớn hơn. Khi biết một điều gì đó mới, các bạn thường đem đi đố các bạn khác với tâm thái rất thích thú.

Những đầu sách gây hứng thú cho các bạn độ tuổi này: “Tôi muốn đến mặt trăng”, “Cuốn sách đầu tiên về quốc kỳ”, “Gặp gỡ thế giới qua tranh”, “Nhiệt động lực học”, “Kỹ thuật kết cấu công trình” , “Luật hấp dẫn”, “Bé yêu năng lượng xanh”.

Lưu ý rằng những cuốn sách ehon đôi khi ba mẹ cảm thấy khó hiểu vì sao người ta lại viết như thế. Nhưng đối với trẻ đó là cách tiếp cận cực kỳ dễ hiểu. Từ những cái trừu tượng, tác giả đã liên tưởng vật đó với một hình ảnh gần gũi xung quanh trẻ để giúp trẻ dễ hình dung về vấn đề, sự vật, hiện tượng. Đây là điểm thú vị của sách ehon mà Huỳnh rất thích. Đôi khi chúng ta còn nghiện đọc chúng hơn cả lũ trẻ.

Tuy là cùng độ tuổi nhưng không phải trẻ nào cũng thích cùng một loại sách đó. Chúng có những sở thích khác nhau và mối bận tâm khác nhau. Chính vì vậy mà việc quan sát trẻ là điều cần thiết trong việc lựa chọn sách cho con.

2. Vậy làm thế nào để con phối hợp khi đọc sách: 

Rất nhiều phụ huynh phàn nàn rằng mua sách về nhưng con không chịu hợp tác cùng đọc hoặc nhiều khi ba mẹ cũng bận quá, không sắp xếp thời gian đọc được cùng con.Vậy phải làm thế nào?

Trước hết, bạn phải có một khung thời gian đọc sách nhất định. Có thể là trước khi đi ngủ hoặc trong khi chờ bữa ăn hoặc có thể là một khung giờ nào đó tùy vào lịch sinh hoạt của mỗi gia đình.

Thứ 2, thời gian đọc sách phải luôn là thời gian thoải mái, vui vẻ, hứng thú của mọi người. Nếu con có hứng thú còn mẹ tham gia trong sự gượng ép hoặc ngược lại thì chắc chắn buổi đọc sách đó sẽ không còn hiệu quả nữa.

Thứ 3, không ép buộc con phải đọc. Dù là việc đọc sách hay là việc gì đi nữa cũng cần dựa trên tinh thần tự nguyện tham gia. Nếu trẻ không thích chủ đề của cuốn sách đó thì chúng ta tìm hiểu lại cách lựa chọn sách ở phần trên. Có thể trong giai đoạn đó trẻ chưa thực sự hứng thú hoặc trong thời điểm đó trẻ đang có mối bận tâm khác lớn hơn.

Thứ 4, luyện tập cách đọc gây hứng thú, tò mò cho trẻ. Ngay cả khi trẻ không thích quyển sách đó, nhưng với cách đọc của bạn khiến trẻ cảm thấy tò mò rằng “có gì trong đó mà mẹ lại hứng thú đến như vậy nhỉ?”. Đây là cách một số mẹ áp dụng và đã thành công.

3. Làm thế nào để đọc sách dễ dàng hơn cùng con?

Việc đọc sách không đơn giản dừng lại ở đó. Không phải đọc từ đầu đến cuối quyển sách là xong, mặc dù đọc diễn cảm, có nhấn nhá nhưng nó không mang lại hiệu quả tốt đa. 

Chúng ta cần một quá trình quan trọng nữa. Đó là việc tương tác hiệu quả trong khi đọc sách cùng con.Trong quá trình đọc từng trang sách, chúng ta nên đặt những câu hỏi để khơi gợi trí tò mò, nuôi dưỡng óc sáng tạo của trẻ. Đối với từng độ tuổi sẽ có cách hỏi khác nhau:

– 0 – 3 tuổi:Giai đoạn trẻ đang bập bẹ tập nói, thì việc đọc sách sẽ khơi gợi cho trẻ nói nhanh hơn. Bằng cách hỏi những câu như: Ai đây con? Cái gì đây con? Bạn thỏ đang ở đâu? Bạn gấu đang làm gì? Bạn heo đang cảm thấy như thế nào? Đây là dạng câu hỏi theo công thức 5W. 

Sẽ giúp trẻ hình thành nên các câu nói dài hơn, hỗ trợ tốt trong việc tập nói. Ba mẹ đừng lo lắng khi con chậm nói, đó là việc con đang trong quá trình ghi nhớ các thông tin thôi. Khi dung nạp đủ con sẽ tự bật ra tiếng nói trong một ngày mẹ không ngờ tới.

– 3-6 tuổi:Giai đoạn này trẻ đã biết nói rồi. Chúng ta cần đặt những câu hỏi khó hơn để thách thức sự tò mò, khả năng suy nghĩ, phán đoán của trẻ. Một số dạng mẫu để ba mẹ áp dụng trong việc đặt câu hỏi như sau:

“Theo con bạn thỏ đang cảm thấy như thế nào?” ,“Nếu con là bạn thỏ thì con sẽ làm gì?” “Tại sao bạn thỏ lại chạy nhanh vậy con nhỉ?” Câu hỏi “như thế nào”: “Con cảm thấy thế nào nếu con có cánh như bạn chim?”

Những câu hỏi này có mức độ khó dễ theo từng giai đoạn phát triển của trẻ, ba mẹ cần linh hoạt thay đổi câu hỏi theo khả năng của trẻ.Ngoài ra, trước những câu hỏi của trẻ mà chúng ta không trả lời được thì trước hết đừng cố tìm câu trả lời cho trẻ ngay. Chúng ta thử hỏi lại đứa trẻ, xem trẻ đang hiểu câu hỏi đó ở mức độ nào, khơi gợi khả năng phán đoán, tư duy phản biện của trẻ. Sau đó chúng ta sẽ cùng phân tích, trò chuyện cùng con.

Cách này vừa giúp trẻ hiểu sâu sắc hơn vấn đề trẻ đang gặp phải, đồng thời cũng giúp cho không khí trở nên thú vị hơn.

Sách là công cụ tuyệt vời để mẹ và bé cùng nhau khám phá thế giới này. Và trên hết đó là khoảng thời gian tươi đẹp mà bé đã trải qua cùng gia đình. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp gia đình bạn kết nối với nhau nhiều hơn.


Và mình là Như Huỳnh – một cây viết trong lĩnh giáo dục trẻ em nói chung và Montessori nói riêng. Nếu bạn đọc đến đây, hãy để lại gì đó dưới phần bình luận nhé. Chúc bạn hôm nay an yên hơn hôm qua.

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *