Cụm từ “giáo dục sớm” có lẽ không xa lạ với tất cả mọi người ngay cả trên các diễn đàn mạng xã hội lẫn ngoài đời. Vậy giáo dục sớm là gì? Như thế nào là sớm và như thế nào là trễ?
Người ta cho rằng trẻ con biết gì mà học nên chỉ chú trọng vào giáo dục khi con bắt đầu vào tiểu học. Người lớn quan niệm trước tuổi tiểu học trẻ chỉ cần vui chơi, ăn, ngủ là chính. Nhưng ngày về sau này người ta càng quan tâm về giáo dục từ trong bào thai, khi sinh ra và cho đến 6 tuổi. Hay nói cách khác đó là giáo dục đầu đời (Early Childhood Education – ECE). Đây là loại hình giáo dục bao gồm giáo dục chính thống và không chính thống.
Giáo dục không chính thống xuất phát từ mối quan hệ giữa cha mẹ, những người thân trực tiếp chăm sóc trẻ từ khi sinh ra. Giai đoạn từ 0-2 tuổi là giai đoạn quan trọng cho việc giáo dục đầu đời vì đây là thời gian trẻ phát triển giác quan, kỹ năng cơ bản.
Giáo dục chính thống bao gồm giáo dục của nhà trường (trường công hoặc trường tư theo quy định nhà nước hoặc chương trình quốc tế). Có một số trường sẽ thiết kế chương trình học theo khả năng, tính cách từng bé,…
Khi cho con đi học bạn thường tìm hiểu trường học với hàng loạt phương pháp như Montessori, Steam, Glenn Doman, Shichida, HighScope,… Rồi bạn không biết nên áp dụng phương pháp nào là tốt nhất cho con.
Có một đợt mình đi tham quan một ngôi trường áp dụng phương pháp của Nhật. Mình thấy hầu hết rất giống với một phương pháp mà mình được học nhưng nó lại mang một cái tên khác.
Lúc đó mình mới nhận ra, mọi quy luật, mọi vấn đề, mọi phương pháp đều ẩn trong những cái bình thường, nó tồn tại mỗi ngày mà đôi khi chúng ta không chịu nhìn sâu vào đó để tìm hiểu và đôi khi chúng ta thường phớt lờ nó đi. Khi nhìn đủ sâu vào vấn đề đó thì dần dần sinh ra phương pháp.
Chúng ta thường thấy trẻ em đặt câu hỏi vì sao rất nhiều, trẻ luôn hỏi những câu hỏi khiến chúng ta khó trả lời. Nhưng những câu hỏi đó tồn tại hằng ngày, tồn tại xung quanh chúng ta. Chẳng hạn như tại sao bố lại là con trai còn mẹ là con gái, tại sao trái đất hình cầu, tại sao con không có cánh như chim,…. Đó là những câu hỏi mà chúng ta xem là lẽ đương nhiên không cần giải thích, nhưng đối với trẻ là những dấu chấm hỏi lớn.

Và việc ra đời hàng loạt các phương pháp cũng vậy. Những phương pháp đó đều dựa vào quy luật sẵn có của tự nhiên, của trẻ em, của vũ trụ. Họ biết nguyên nhân gốc rễ vì sao trẻ lại có hành vi như vậy và từ đó họ sinh ra phương pháp dạy. Còn đôi khi chúng ta chỉ xem đó là điều bình thường thì sẽ phán xét trẻ là ngỗ nghịch, là quậy phá. Tuy là hình thức dạy của các phương pháp là khác nhau nhưng đều hướng đến mục đích chung.
Cho nên những phương pháp giáo dục sớm đôi khi chúng ta thấy cao siêu, nhưng thực chất nó tồn tại hằng ngày xung quanh chúng ta. Chỉ cần bạn chịu khó quan sát đứa trẻ, khi cảm thấy con thật ngỗ nghịch, thật vô lý thì hãy nhìn sâu vào bên trong đứa trẻ để tìm nguyên nhân, tự bạn sẽ tìm ra cách giải quyết. Nếu vẫn chưa tìm ra cách thì đó là bạn nhìn chưa đủ sâu.
Và giáo dục sớm cũng là giáo dục từ trong bào thai, các nhà nghiên cứu hẳn phải hiểu rất rõ quá trình hình thành em bé như thế nào thì mới có được các phương pháp thai giáo phù hợp được sử dụng rộng rãi như ngày nay.
Thông qua bài này mình muốn gửi thông điệp, phương pháp giáo dục sớm không xa vời như bạn tưởng. Giáo dục sớm là giáo dục đầu đời, mục tiêu để định hướng và hỗ trợ phù hợp nhất cho con. Nó được sinh ra từ những con người bình thường biết quan sát đứa trẻ một cách sâu sắc. Và bạn hoàn toàn có thể là người sáng lập ra phương pháp mới nếu bạn quan sát, phân tích, đúc kết đủ sâu và đủ trăn trở về điều đó.
Xem thêm:
>> Sai lầm khi cho con học trường Montessori
>> Sự thật trẻ em có phải là “tờ giấy trắng” hay không?