Mình còn nhớ vẻ lúng túng của nhiều phụ huynh khi lần đầu cho con đi học. Các bậc cha mẹ không biết nên chuẩn bị gì cho chu đáo.
Tâm trạng họ như gả đứa con gái về nhà chồng, thao thức mấy ngày liền. Hết lo cái này đến lo cái kia. Chuẩn bị bao nhiêu cũng vẫn là chưa đủ. Còn đứa con thì miệng vẫn cười toe toét không biết rằng mình sắp phải đến một nơi lạ lẫm.
Vậy thì cần chuẩn bị những gì khi lần đầu cho con đi học?
1. Chuẩn bị tâm lý của trẻ và các thành viên trong gia đình:
– Chuẩn bị tâm lý đứa trẻ:
Bạn dành ra vài tuần thủ thỉ với con về việc đi học vui như thế nào, có nhiều bạn mới, nhiều đồ chơi ra sao. Bạn chuẩn bị cho con một chiếc cặp và hằng ngày cho con đeo chiếc cặp đó đóng giả đang đi học. Bạn liên tục khen và hỏi những câu hỏi như : “Con mang cặp đi học hả? Đi học vui không con? Đi học có nhiều bạn, nhiều đồ chơi, có cô giáo thương con như mẹ đúng không?”. Những cuộc trò chuyện như vậy sẽ hình thành tư duy giúp con tưởng tượng môi trường con sắp đi đến.
Và bạn giải thích rằng vì sao con phải đi học mà không phải là ở nhà chơi như trước nữa. Rằng ba mẹ đi làm thì con cũng phải đi học giống như ba mẹ vậy, để trẻ cảm thấy không bị bỏ rơi quá đột ngột.
Hoặc bạn có thể mở những video về lớp học cho con dễ hình dung. Bạn nhớ giải thích cặn kẽ từng chi tiết trong lớp như cô giáo, bạn bè, cái ghế, cái giường, đồ chơi, cái ly,… Nếu cẩn thận hơn thì nhờ cô giáo chụp ảnh thực tế tại lớp học của con.
– Chuẩn bị tâm lý cho ba mẹ:
Với những ngày đầu nếu trẻ khóc nhiều quá, để lâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con thì cô sẽ gọi ba mẹ đến đón về. Bạn hãy luôn trong tư thế sẵn sàng đón con về khi cô giáo gọi. Còn trường hợp trẻ khóc nhưng vẫn chịu chơi, chịu ăn, chịu ngủ thì sẽ để ở trường.
Ba mẹ hãy luôn chuẩn bị một tinh thần kiên trì, quyết tâm không được bỏ cuộc trong những ngày đầu bé đi học. Vì có trẻ sẽ khóc dẫn đến ho, khan tiếng, viêm họng rồi sốt, có trẻ đề kháng yếu sẽ nhập viện mấy ngày. Nhưng cũng rất hiếm khi trẻ nhập viện. Bạn hãy tích cực tăng cường đề kháng cho con nhiều hơn vào thời gian này.
Ngoài ra, vì thay đổi thức ăn (không giống như ở nhà) nên ba mẹ chuẩn bị men tiêu hóa để hỗ trợ đường ruột cho con.
Trong những ngày bé làm quen, mình quan sát thấy rằng bố mẹ rất xót con vì sợ con khóc, con không chịu ăn, con tủi thân,… Nhất là ông bà, có nhiều trẻ khóc nhiều quá ông bà thương nên thành ra lại cho ở nhà đợi lớn một chút mới cho đi. Chính điều này lại gây khó khăn tâm lý cho ba mẹ lẫn nhà trường.
Cho nên việc thống nhất giữa các thành viên trong gia đình khi cho con đi học thật sự là vấn đề quan trọng.
2.Tìm hiểu thông tin về lớp học của con khi lần đầu đến trường:
-Về chế độ sinh hoạt: Tìm hiểu lịch sinh hoạt ở lớp của con để tập cho con thích nghi theo khung giờ đó trước ở nhà. Điều này sẽ hỗ trợ cho con nhiều khi đi học.
Bạn nên trao đổi với giáo viên về thói quen ăn, ngủ của bé khi ở nhà. Nếu bé ngủ sai tư thế, sai cách ở nhà, cộng thêm môi trường lạ nữa thì bé sẽ khó mà vào giấc ngủ được, nhất là đối với những ngày đầu tiên.
Tất nhiên sau này cô giáo không thể chăm bé kỹ như những ngày đầu, cô chỉ hỗ trợ kèm 1:1 cho đến khi bé thích nghi với môi trường. Khoảng thời gian sau khi con vào nề nếp, con sẽ tự sinh hoạt theo các bạn mà không đợi cô phải nhắc.
Nhiều ba mẹ hay hỏi rằng thấy con ở trường ngoan ngoãn tự làm mọi thứ nhưng về nhà con lại không làm được như vậy? Đó chính là nhờ một phần con tự giác khi xung quanh các bạn cũng tự giác như con. Còn khi về nhà con ỷ lại có ba mẹ nuông chiều, làm thay nên con sẽ trở nên thụ động.
Bạn có thể đọc thêm bài viết Bạn đã vô tình hại con mà không biết.
– Về chương trình học: Sau khi con ổn định ở lớp học rồi thì hằng ngày ba mẹ theo dõi chương trình học để hỗ trợ bé khi ở nhà.
Tùy theo trường mà có các hình thức công bố chương trình học mỗi ngày. Có trường sẽ gửi qua ứng dụng, có trường cập nhập trên Facebook, trên website, có trường thì dán trước cửa lớp,…
Việc nắm chương trình học của con là nhằm hỗ trợ cho cuộc trò chuyện của ba mẹ và con ở nhà được tốt hơn. Những câu chuyện đó chính là sợi dây gắn kết tình cảm của các thành viên trong gia đình.
Đôi khi mình hay bắt gặp những câu hỏi của phụ huynh như này: “Cô ơi, mẹ thấy ngày hôm qua A học về màu đỏ nhưng về nhà mẹ hỏi lại thì A không phân biệt được.” Không phải học xong cái gì là các con có thể nhớ ngay. Việc quá kỳ vọng đôi khi sẽ gây áp lực cho con và chính cô giáo ở trường. Ở lứa tuổi mẫu giáo, mọi môn học đều quy về theo dạng học mà chơi, chơi mà học. Mọi thứ với con đều như một hành trình khám phá. Khi bé đã biết nói, bé sẽ kể rất nhiều. Ba mẹ có thể nương theo bảng chương trình học để hỏi con. Bạn sẽ nhận thấy niềm vui trong ánh mắt của con qua những câu chuyện ngây ngô con kể.
– Về chế độ dinh dưỡng: Bạn theo dõi thực đơn tuần để cân bằng với bữa ăn ở nhà, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong ngày cho bé. Mỗi bé có chế độ ăn khác nhau, bé ăn thô, ăn cháo,… uống sữa như thế nào bạn cần trao đổi với giáo viên để hỗ trợ cho bé tốt hơn. Có trường sẽ cho gửi sữa ngoài, có trường thì uống sữa theo quy định.
Bạn có thể tìm hiểu thêm trường lấy thực phẩm tại đâu, có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không?
Bạn có thể đọc thêm bài 5 tiêu chí chọn trường mầm non cho trẻ.
3. Những vật dụng cần thiết mang theo cho bé lần đầu đi học:
Những ngày đầu làm quen cần mang theo bỉm (nếu bé chưa bỏ bỉm). Mỗi ngày sẽ có 2 lần vệ sinh và thay bỉm. 2 bộ quần áo, 1 khăn lau mặt (dùng để lau nước mắt đó ạ. Bé sử dụng những ngày đầu thôi, những ngày sau sử dụng khăn của trường). Bạn có thể mang theo bình nước (những ngày đầu lạ chỗ đôi khi bé sẽ không quen uống ly ở trường). Tùy theo từng trường và độ tuổi mà quy định sẽ khác nhau.
Nếu bé chưa ngủ được ở trường và về nhà hay giật mình giữa đêm thì bố mẹ đem theo vật dụng bé hay ôm khi đi ngủ, để bé có cảm giác an toàn hơn.
- Quá trình bắt đầu làm quen môi trường:
Giai đoạn 1: Tham quan trường
Bố mẹ đưa con đến tham quan môi trường, lúc này hạn chế không cho người lạ đến gần bé vì rất dễ gây cho bé cảm giác sợ hãi, ngày hôm sau trẻ không chịu đến trường nữa.
Bố mẹ và bộ phận tư vấn hoặc Ban giám hiệu vừa nói chuyện vừa quan sát bé từ xa lúc con chơi ở khu trò chơi. Sau đó cùng con đi tham quan lớp học.
Lúc về nhà, bố mẹ tiếp tục trò chuyện với con về buổi tham quan trường và hỏi về cảm nhận của con xem con nghĩ như thế nào. Lúc này bạn chú ý đồng cảm cùng với cảm xúc của con.
Giai đoạn 2: Trẻ bắt đầu làm quen
Quy trình cho những ngày làm quen thường diễn ra như sau:
- Làm quen cùng với mẹ: Mẹ cùng bé chơi tại lớp 30 phút/ ngày để bé quen môi trường (thường kéo dài 2 – 3 ngày). Tại lớp học Montessori thì mẹ sẽ ngồi ở một góc lớp. Đây gọi là ghế quan sát dành cho phụ huynh.
- Làm quen không có mẹ: Khi bé đã quen với không gian, biết mặt cô giáo thì bé sẽ ở lại chơi với cô. Ngày đầu 30 phút và tăng dần thời gian ở những ngày tiếp theo. Cho đến khi bé ở lại trưa được, rồi ở lại đến chiều. (Thường kéo dài khoảng 3-5 ngày)
- Chính thức nhập học: Khi bé ở lại được cả ngày thì bé chính thức nhập học.
Những ngày đầu tất nhiên bé sẽ khóc. Và cũng tùy bé, có bé rất hợp tác. Tuy nhiên con khóc cũng là điều rất bình thường. Hãy thử tưởng tượng nếu ai đó bắt chúng ta tới hành tinh khác rồi thả mình lại ở đó với vô vàng câu hỏi thì bạn sẽ có cảm giác như thế nào? Mọi thứ cũng đều cần thời gian thích nghi.
Chúng ta nhận biết rằng điều gì đang xảy ra với con để biết cách xử lý đúng nhất. Cũng dễ hiểu rằng đứa trẻ đang cảm thấy không an toàn với môi trường lạ, tâm trí con đang hoài nghi với tất cả mọi thứ xung quanh và hậu quả là trẻ khóc dữ dội. Những đứa trẻ có cá tính mạnh sẽ đập phá đồ chơi, đập cửa đòi đi ra khỏi lớp.
Lúc này cô giáo vẫn rất kiên nhẫn dỗ dành con vì cô biết con chưa hiểu rằng cô cũng thương con như mẹ của mình và mọi người ở đây luôn đón nhận con, không ai làm hại đến con cả. Khi con hiểu được điều đó, con sẽ mở lòng đón nhận và hòa nhập với lớp (quá trình để con hiểu ra phải mất từ 1 đến 2 tuần, tùy khả năng thích nghi của từng bé, có bé dễ thì chỉ vài ngày thôi).
Thường sẽ có phụ huynh bỏ cuộc trong giai đoạn này, vì quá xót con, vì con khóc quá nhiều, về nhà cáu gắt, bỏ ăn, bỏ ngủ, cộng thêm tác động của ông bà khiến ba mẹ quyết định hoãn lại thời gian cho con đi học. Nhưng, dù bắt đầu ở độ tuổi nào đi nữa thì khi mới đi học cả bé và cả ba mẹ cũng đều mang tâm lý y hệt nhau.
Giai đoạn 3: Chính thức nhập học
Chúc mừng những ba mẹ đã rất kiên nhẫn theo con nhiều ngày liên tiếp cho đến khi con chính thức nhập học.Những ngày sau đó, con sẽ hơi nhè chút vào đầu giờ sáng thôi rồi con lại quên béng đi cái buồn tủi đó vì có bạn và có đồ chơi thu hút. Buổi chiều ba mẹ đón con thì con sẽ nhè làm nũng ba mẹ một chút, cảnh này thật sự rất đáng yêu.
Nhưng cũng có bé sẽ mè nheo với ba mẹ suốt một tháng trời. Nhưng ba mẹ yên tâm, tối đa một tháng là bé đã thích nghi được hoàn toàn với trường rồi. Thời gian đầu thật sự rất vất vả. Mình đã không ít lần nhìn thấy những giọt nước mắt của cha mẹ, ông bà ngày ngày đi theo con làm quen với lớp. Con ở trong lớp khóc, mẹ ở dưới sảnh nhìn camera cũng khóc theo. Ba mẹ can đảm lên nhé, con rồi cũng phải lớn, phải rời xa cha mẹ để đến chân trời rộng lớn hơn. Hãy để con được va chạm càng sớm thì càng tốt cho con ba mẹ nhé.
Có một phụ huynh của mình đăng tải lên Facebook đoạn video khi đi đón con về sau ngày chính thức nhập học. Mẹ quay video từ hành lang đi dần vào cửa lớp. Con đang chơi vui vẻ, thấy mẹ thì bỗng mếu máo trông vừa thấy thương mà vừa buồn cười nữa.
Kết: Mỗi trường sẽ có quy định nhập học khác nhau, bài này sẽ cho ba mẹ thêm thông tin cơ bản về hành trình cho con đi học lần đầu.
Những bậc cha mẹ chắc chắn sẽ gặp trường hợp này ít nhất một hoặc vài lần trong đời. Đôi khi mọi thứ để thuận tự nhiên sẽ tốt hơn và nó sẽ trở thành kỷ niệm khó quên cho ba mẹ mỗi khi nghĩ lại.
Nhưng vì nhận thấy có quá nhiều phụ huynh lo lắng về việc lần đầu cho con đi học nên mình viết đôi dòng chia sẻ, hy vọng giúp ích được gì đó cho mọi người.
Những thông tin trên được viết dựa trên bối cảnh tại trường tư thục và mang quan điểm cá nhân. Nếu có thắc mắc nào thêm bạn có thể comment bên dưới mình sẽ giải đáp trong khả năng có thể.
Như Huỳnh,
Bài viết thuộc bản quyền của tác giả, vui lòng không tự ý reup. Hãy tôn trọng cây viết và tác giả. Nếu thích bài viết này, bạn có thể chia sẻ hoặc trích dẫn có nguồn (tên blog, tác giả hoặc link bài viết). Hy vọng bạn nhận được thông tin hữu ích. Thương gửi và chúc bạn một ngày an yên.