Sự khác nhau giữa phương pháp giáo dục truyền thống và phương pháp giáo dục Montessori

Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp giáo dục truyền thống và phương pháp giáo dục Montessori

Khi các phương pháp giáo dục nước ngoài ngày một phổ biến tại các trường mầm non thì có sự so sánh giữa hai môi trường truyền thống và hiện đại. Khi chọn lựa trường cho con nhiều phụ huynh hoang mang không biết phương pháp giáo dục Montessori có gì khác với phương pháp giáo dục truyền thống. 

Mình may mắn được tiếp xúc trong cả hai môi trường từ khi là trường truyền thống đến khi chuyển giao sang trường Montessori nên phần nào đó cảm nhận được sự khác nhau giữa hai phương pháp này.

Mình nhớ có lần một trường Montessori đã làm video truyền thông về phương pháp Montessori nhưng có lồng ghép so sánh với phương pháp truyền thống khiến cho những người làm nghề giáo lâu năm tỏ ra phẫn nộ trước nội dung mang tính so sánh cao thấp như vậy. Ngay sau đó có rất nhiều bài chỉ trích đăng lên một hội nhóm lớn, trong đó có cả giáo viên mầm non lâu năm, phụ huynh học sinh,… Thời điểm đó mình tưởng chừng hệ thống trường Montessori đó sẽ điêu đứng trước làn sóng dữ dội ấy. Nhưng cây ngay không sợ chết đứng, với sự kiên định và biết mình đang làm gì, đang đi đâu đã giúp cho người đứng đầu của hệ thống đó vững vàng và tiếp tục phát triển cho đến bây giờ. 

Trong bài viết này mình xin chia sẻ vài điểm khác nhau giữa phương pháp giáo dục truyền thống và phương pháp giáo dục Montessori (mình tạm viết tắt là Mon) dưới góc nhìn là người trải nghiệm trong cả hai môi trường. 

Học phí:

Chắc chắn trường Mon sẽ có học phí đắt hơn. Nếu như học phí của trường truyền thống giao động từ tám trăm đến hai triệu thì trường Mon sẽ có giá trong khoảng từ năm triệu đến mười hai triệu một tháng. Đây là mức học phí trên mặt bằng chung tại Đà Nẵng – nơi mình sống, còn những khu vực khác sẽ có mức phí khác nhau tùy kinh tế vùng miền. 

Camera

Trường truyền thống, nếu là trường công thì có camera nhưng chỉ dùng cho việc quản lý nội bộ, camera không cung cấp cho phụ huynh. Còn trường tư truyền thống thì có cung cấp camera cho phụ huynh quan sát trẻ.

Những trường theo chuẩn phương pháp Montessori sẽ không cung cấp camera, phụ huynh chỉ được xem qua camera tại sảnh hoặc văn phòng nhà trường. Giáo viên sẽ không áp lực về camera, nhất là về phía phụ huynh chính vì thế tâm lý giáo viên có phần thoải mái hơn. Montessori tôn trọng quyền riêng tư của trẻ và giáo viên.

Nguồn gốc phương pháp giáo dục

Phương pháp giáo dục Montessori là công trình nghiên cứu giáo dục trong quá trình làm việc và quan sát những đứa trẻ suốt cuộc đời của Tiến sĩ, nhà giáo dục học ngưởi Ý – Maria Montessori. 

Còn phương pháp giáo dục truyền thống là chương trình của Bộ giáo dục theo thông tư 28. 

Các góc/ lĩnh vực trong lớp học 

Lớp học Montessori được bố trí theo 5 góc: góc thực hành cuộc sống, góc giác quan, góc ngôn ngữ, góc toán học, góc văn hóa khoa học. Mỗi góc sẽ được bố trí giáo cụ trực quan tùy theo độ tuổi và cấp độ từ dễ đến khó. 

Còn lớp học truyền thống cũng có các góc như: góc phân vai, góc kể chuyện, góc đọc sách, góc xây dựng, góc khoa học, góc nghệ thuật. Và phát triển theo 5 tiêu chí: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội. 

Đồ dùng học tập:

Ở lớp học Montessori sẽ bố trí các giáo cụ trực quan, đa số được làm bằng gỗ và sưu tầm được từ môi trường xung quanh. Nếu một lớp học Mon chuẩn thì số giáo cụ phải đáp ứng đủ cho 1000 bài học của trẻ trong 3 năm học (lớp 3-6 tuổi). Học liệu giảng dạy đều là vật thật từ môi trường sống của trẻ. Thậm chí sử dụng cả ly thủy tinh, chén bát bằng sứ, dao, nĩa,… 

Còn lớp học truyền thống đa số đồ dùng đồ chơi đều bằng nhựa hoặc là do giáo viên tự sáng chế. 

Đặc điểm chung của 2 môi trường này là đều có sử dụng những vật xung quanh như chai, lọ,… để tái chế thành đồ dùng học tập. Nhưng ở lớp Mon thì các con sẽ cùng cô giáo thực hiện việc này (trong lớp học Stem – kiểu dạy học theo dự án cũng có việc trẻ sẽ tự tay để phục vụ cho các dự án chung). 

Giáo viên 

Giáo viên lớp Montessori: ngoài việc phải có bằng sư phạm mầm non thì để đứng được lớp Mon buộc giáo viên phải có chứng chỉ (trợ tá Montessori, giáo viên Montessori quốc tế 0-3, 3-6,…). Lớp học Montessori lấy trẻ làm trung tâm nên người giáo viên được xem như là một huấn luyện viên lùi lại đằng sau quan sát và chỉ hỗ trợ khi cần thiết. Thông thường sẽ có 3 giáo viên trong lớp học Mon, 1 cô trợ tá, 1 cô hướng dẫn và 1 cô có nhiệm vụ quan sát để ghi chép lại tiến trình của trẻ.

Còn điều kiện cần của giáo viên trường truyền thống là tốt nghiệp sư phạm mầm non. Từ năm 2025, bằng trung cấp sẽ không được làm việc tại các cơ sở trường học mầm non, vì vậy buộc các cô bằng trung cấp phải học nâng bằng ngay từ bây giờ. 

Điểm giống nhau giữa 2 môi trường này là giáo viên đều phải được đào tạo chuyên môn hằng tuần để nâng cao nghiệp vụ sư phạm và cập nhập kiến thức, trang bị kỹ năng cần thiết,…Tuy nhiên để làm việc được trong môi trường mầm non cần hơn cả tấm lòng yêu thương trẻ, sự bao dung, nhẫn nhịn, thấu hiểu,… của các cô. Một người không yêu nghề, không yêu trẻ thì sẽ không làm việc được trong môi trường mầm non quá một tuần. 

Giáo án – chương trình học

– Giáo án Montessori chỉ soạn 1 lần cho từng loại giáo cụ và thông thường sẽ theo mẫu của nơi đào tạo mà trường đó theo học. Giáo viên không tự soạn được mà cần có hướng dẫn cụ thể các bước. Và giáo án Mon cũng ít được tìm thấy trên mạng xã hội do tính chất bảo mật. Nhưng cái cốt yếu là bảng đáng giá trẻ. Mặc dù có giáo án nhưng giáo viên cũng phải nắm tinh thần của phương pháp để có cách dạy đúng. Thời khóa biểu của trẻ linh hoạt và không  cố định.

Giáo viên sẽ quan sát sự tiến triển để lên bài học cho trẻ ngày hôm sau. Mỗi trẻ sẽ có lộ trình/ chương trình học riêng, tuy cùng độ tuổi nhưng bài học mỗi ngày của các bạn sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn nhạy cảm, sự hứng thú, sự tiến triển, sở thích,… 

– Giáo án ở lớp học truyền thống cũng được soạn theo ngày, theo khung chương trình năm và dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội do tính phổ biến. Thường giáo viên sẽ tự soạn và lên tiết học dựa theo chủ đề tháng/năm. Hình thức dạy học theo kiểu giáo viên là trung tâm, là hình mẫu để trẻ làm theo mà không được tự ý sáng tạo. Chương trình học được thiết kế chung, các hoạt động của cả lớp đều giống nhau. 

Độ tuổi học sinh trong lớp:

Lớp Montessori trẻ sẽ học theo hình thức trộn độ tuổi từ 0-3 tuổi hoặc 3-6 tuổi. Ở lớp học này như một mô hình xã hội thu nhỏ, nơi các anh chị học cách giúp đỡ các em và các em nhỏ được mô phỏng lại kỹ năng cũng như nhận sự hỗ trợ từ các anh chị. 

Lớp học truyền thống, các bé sẽ học theo độ tuổi giống nhau. 

Giờ hoạt động: 

Trẻ lớp Mon thường được hoạt động nhiều giờ liên tục mà không bị ngắt quãng. Các con không bị gián đoạn bởi tiếng chuông hết giờ hay chuyển tiết. 

Ở lớp học truyền thống thường sẽ quy định thời lượng cho mỗi môn học, khi chuyển tiết dù chưa xong hoạt động nhưng trẻ cũng buộc phải dừng lại mọi thứ đang dang dở. 

Về cách giao tiếp với trẻ

-Trường Mon luôn tôn trọng trẻ, mỗi trẻ là một cá thể độc lập và phát triển theo khả năng riêng, tập trung nhiều hơn vào những thế mạnh của trẻ để phát huy. Đề cao tinh thần “tự do trong khuôn khổ”.

– Trường truyền thống thì cho trẻ phát triển toàn diện theo tiêu chí đánh giá chung. Hướng trẻ đến việc giỏi đều tất cả các lĩnh vực. 

Thưởng, phạt

Montessori không có thưởng và phạt, không có phiếu bé ngoan, không trao thưởng cuối năm. 

Giáo dục truyền thống sẽ có thưởng khi trẻ ngoan để khích lệ tinh thần và phạt khi trẻ hư để răn đe. Và có phiếu bé ngoan vào cuối tuần, có xếp loại đánh giá cao thấp vào cuối năm. 

Đọc thêm bài viết: Phiếu bé ngoan tại trường mầm non

Đánh giá trẻ

– Trường Montessori, trẻ học tập thông qua trải nghiệm với các giáo cụ tự kiểm soát lỗi. Trẻ sẽ là người phát hiện ra lỗi và tư điều chỉnh, giáo viên sẽ không can thiệp vào quá trình này vì sẽ làm gián đoạn sự phát triển tự nhiên của trẻ. Việc đánh giá trẻ do chính đứa trẻ đó tự cảm nhận thông qua các hoạt động, kích thích sự phát triển tự nhiên. 

– Tại lớp học truyền thống trẻ học tập thông qua ghi nhớ một cách máy móc, học vẹt làm giảm tư duy của trẻ. Hình thức học lấy giáo viên làm trung tâm. Mọi hành vi được cho là lệch với quỹ đạo sẽ bị chỉnh lại theo nguyên mẫu. Việc đánh giá trẻ do giáo viên quyết định, thường sẽ xếp loại cao thấp, thứ bậc trong lớp, trong trường. 

Môi trường được chuẩn bị

– Mọi người hay bắt gặp khái niệm “môi trường được chuẩn bị” ở lớp học Mon nhưng không rõ nó được chuẩn bị như thế nào. Đó là môi trường được người lớn sắp xếp để phù hợp cho các hoạt động của trẻ. Ví dụ kệ lớp 0-3 sẽ có kích thước và số tầng phù hợp với chiều cao trung bình của các bé. Tương tự lớp 3-6 thì sẽ được bố trí nhiều giáo cụ bằng thủy tinh, sành sứ, vật sắc nhọn,… hơn nhưng theo đúng kích cỡ và độ an toàn cho trẻ. Ngay cả cái chổi, cái khăn,… cũng phải thiết kế vừa tay cầm của các con. Mọi thứ phải được người lớn chuẩn bị để trẻ có cơ hội được làm việc trong môi trường xã hội thu nhỏ. 

– Còn ở lớp học truyền thống các kệ cũng được bố trí theo từng độ tuổi để đảm bảo an toàn cho trẻ. Nhưng môi trường học mỗi ngày đều như nhau, không có sự sắp xếp chuẩn bị để các con được tự do khám phá.

Kết nối với thiên nhiên

Trường Montessori ưu tiên các hoạt động ngoài trời, dã ngoại,… để gắn kết với thiên nhiên. Lớp học Mon ngày nào cũng có 1 tiết học ngoài trời để khám phá và sau đó quay trở lại lớp tiếp tục với các giờ học khác. 

Lớp học truyền thống thường bó buộc trong khuôn khổ lớp học, ít sự tương tác với thiên nhiên. 

Ngoài những điều kể trên còn rất nhiều điểm khác nhau giữa hai môi trường này mà mình chưa liệt kế hết vì mọi thứ dường như đối lập với nhau và có quá nhiều điều để viết. Khi tuyển dụng giáo viên trường Mon bao giờ người ta cũng ưu tiên giáo viên mới ra trường vì các cô chưa bị nề nếp truyền thống chi phối nhiều nên dễ đào tạo để giảng dạy Mon. Không riêng gì Mon mà các trường áp dụng phương pháp nước ngoài cũng đều ưu tiên giáo viên mới ra trường hoặc thậm chí người trái ngành. 

Bài viết này mình không cổ súy, kỳ thị hay phân biệt phương pháp giáo dục nào mà chỉ nêu một vài điểm khác nhau giữa phương pháp giáo truyền thống và phương pháp giáo dục hiện đại (cụ thể là Montessori). Ở mỗi môi trường đều có ưu điểm, nhược điểm riêng. Không có phương pháp giáo dục nào là hoàn hảo và cho con học trường nào không quan trọng bằng việc hiểu con bao nhiêu và tương tác với con như thế nào. Hy vọng bài viết mang lại cho bạn góc nhìn tham khảo trên hành trình nuôi dạy những em bé hạnh phúc.  

 

Bài viết được đề xuất

1 Bình luận

  1. Cảm ơn thông tin hữu ích của bạn nha

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *