Làm sao để con không bị bắt nạt?

5 cách để con không bị bắt nạt

Cha mẹ nào lại không yêu thương con, nhưng đôi khi yêu thương quá mức lại khiến con bị lệ thuộc vào cha mẹ, khiến con không thể tự lập và nghiêm trọng hơn là không thể tự bảo vệ mình trước những hiểm nguy xãy đến với mình trong cuộc đời. Những điều dưới đây hi vọng sẽ giúp ích được một chút gì đó cho mọi người trong việc khắc phục tình trạng sợ con bị bắt nạt.

1/ Sửa mình để dạy con

Có câu “Nhìn cây sửa núi, nhìn con sửa mình”. Nhiều ông bố bà mẹ hay hỏi nên bắt đầu học kỹ năng gì để nuôi con không phải là cuộc chiến. Thì câu trả lời đó là hãy nhìn lại chính bản thân chúng ta, quan sát xem chúng ta có những tính xấu nào mà mình không muốn con của mình thừa hưởng những tính xấu đó. Sau khi liệt kê ra được rồi thì từng bước sửa đổi mỗi ngày.

Đứa trẻ sẽ học theo những hành vi, tính cách của cha mẹ đầu tiên rồi mới đến môi trường xung quanh.Những người bị đau thường có xu hướng làm đau người khác. Chẳng hạn như bố vì áp lực công việc nên về nhà quát mắng mẹ. Mẹ vì bị bó quát mắng nên trút giận lên con. Con vì bị mẹ la mắng nên lại đi đánh đập, bắt nạt những bạn khác. Chính vì vậy sửa chính mình là việc làm đầu tiên mà chúng ta nên làm. Có nhiều người sẽ cho rằng mình tốt rồi, mình hoàn hảo rồi không cần khắc phục điều gì cả.

Đôi khi bản thân chúng ta không hề biết rằng mình có khuyết điểm đó và đôi khi mình cũng chưa hiểu rõ hết được chính mình. Cách để chúng ta có thể liệt kê được danh sách khuyết điểm của bản thân đó là hỏi những người xung quanh về cái nhìn của họ đối với mình, hỏi càng nhiều người càng tốt và note lại thông tin. Sau đó hãy dành cho bản thân một khoảng thời gian, không gian yên tĩnh để suy niệm về những gì người khác nghĩ về tính cách của mình và tự nhận thấy mình có tính xấu nào. Phải luôn trung thực với bản thân, suy niệm là việc làm hằng ngày không chỉ ngày 1 ngày 2. Ngay cả bản thân Huỳnh trước đây cũng không hề biết rằng mình có những tính xấu như vậy, chỉ khi thực hành thiền định thì mới dần nhận ra và sửa đổi hằng ngày. Suy niệm buổi sáng, trưa và trước khi đi ngủ. Biết sai và sửa sai là một điều rất đáng quý của mỗi người.

2/ Dạy con biết tin và yêu bản thân mình

Rất nhiều đứa trẻ bị bạn bè bắt nạt mà chỉ biết đứng im cuối mặt chịu đựng vì không yêu và tin bản thân mình. Nếu con biết yêu bản thân thì con sẽ không để ai xúc phạm, đánh đập, xâm hại đến cơ thể của con. Nhưng biết yêu bản thân thôi thì vẫn chưa đủ, con cần biết tin vào bản thân mình rằng con cũng có thể phản kháng lại những điều không hay xãy đến với con khi không có người lớn trợ giúp.

Cách thực hành là mẹ có thể dạy con cảm ơn từng bộ phận trên cơ thể con (vd: con thật sự hạnh phúc và biết ơn …. vì …. ). Bật mí là Huỳnh cũng đang thực hiện điều này mỗi sáng, không chỉ cảm ơn bộ phận cơ thể mà cảm ơn từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Những ngày đầu sẽ chưa cảm nhận được nhiều nhưng lâu dần sẽ khiến mình biết đủ, hài lòng với cuộc sống và tâm bình an hơn rất nhiều. Còn đối với trẻ cũng vậy, trẻ sẽ biết yêu thương, trân quý cơ thể và mọi thứ xung quanh hơn.

3/ Rèn cho con tính nghị lực – duy trì vòng tròn giáo dục giới định tuệ

Khi con đã tin và yêu bản thân rồi thì con cần nghị lực mạnh mẽ để tạo nên hành động. Rèn nghị lực là rèn dũng và nhẫn. Dũng là cái có trước, nhẫn có sau. Nhẫn sẽ khó hơn dũng rất nhiều, nhiều người có dũng nhưng ít người có nhẫn. Nhưng khi chỉ có dũng mà không có nhẫn thì hình như nó lẫn cái tính nhu nhược trong đó.

Cứ chịu đựng hoài mà không có tính mạnh mẽ, mình nhìn lại thấy họ chịu đựng là do họ nhát, họ nhu nhược chứ không phải là do họ nhẫn. Ta có thể chiếu hình ảnh đứa trẻ bị bắt nạt lên góc nhìn này sẽ thấy rằng đứa trẻ có nhẫn nhưng không có dũng. Chúng ta có thể rèn luyện cho con tính nghị lực bằng cách tạo môi trường để con vượt qua cái lười biếng, cái nhát, cái sợ.

Hình thức được nhiều người áp dụng nhất là đứng tấn và ngồi thiền. Hoặc bất kỳ tình huống nào hằng ngày có liên quan đến việc rèn luyện sự dũng cảm và kiên trì thì đều là đang rèn luyện nghị lực cho con (vd như nhai thức ăn 50 lần, đi từng bước chậm rãi,…). Quá trình đứng tấn giúp con rèn luyện sự tập trung, gom tâm về một mối. Nếu tập trung là có sự bình tĩnh, năng lực của định xuất hiện, nghị lực sinh ra an tĩnh trong nội tâm.

Khi tâm an tĩnh thì trí tuệ xuất hiện. Khi đó con tự biết nên làm gì. Có trí tuệ thì sẽ có đạo đức, con biết điều gì là đúng là sai và con tự biết chịu trách nhiệm với hành động của mình. Như vậy, trong tình huống con bị bạn bắt nạt thì chúng ta chú trọng hơn đến vấn đề rèn tính nghị lực.

Tuy nhiên, một điều hết sức quan trọng là chúng ta cần duy trì giáo dục con theo vòng tròn giới, định và tuệ một cách thường xuyên và liên tục. 3 yếu tố này nếu thiếu đi một thì hai cái còn lại có rèn luyện tới đâu cũng không có tác dụng, đôi khi còn phản tác dụng. (Vd như phát xít Hitler) Không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện, đôi khi bố mẹ nên tự tạo ra các tình huống giả sử, đóng kịch, thẻ tranh, câu chuyện tương tác,…

Thông qua nhiều hình thức khác nhau như vậy trẻ sẽ đỡ nhàm chán và có nhiều cơ hội để con thể hiện bản thân, sau mỗi tình huống như vậy bố mẹ cùng con ngồi lại suy ngẫm, phân tích và đúc kết vấn đề.

4/ Học kỹ năng

Để yên tâm hơn trong việc con có thể tự bảo vệ bản thân. Chúng ta có thể cho con học võ, võ là môn học cần thiết nhất trong các môn kỹ năng sống. Nhiều khi con học xong chỉ dùng duy nhất một lần trong đời, nhưng lần đó là lần cứu lấy mạng sống của con và của những người thân yêu.

Ngoài ra, nhiều bố mẹ còn cho con đi học các lớp kỹ năng về giao tiếp để con tự tin hơn, mạnh mẽ hơn để có thể phản biện lại những lúc bị xúc phạm. Chúng ta nên cân nhắc thật kỹ việc này. Lớp kỹ năng giao tiếp nếu không được dạy đúng cách đôi khi sẽ khiến đứa trẻ trở thành một con robot biết nói. Ba mẹ hãy quan sát tiết học đầu tiên của lớp kỹ năng giao tiếp, giáo viên cho các bé làm quen với nhau như thế nào?

Quan sát xem có phải giáo viên cho từng bé đứng lên giới thiệu tên, tuổi, địa chỉ,… hay không? Việc làm này vô tình khiến đứa trẻ nói trong sự ép buộc, sợ hãi, gượng gạo và cuối cùng bọn trẻ có làm quen được với nhau hay không? Còn đối với một số lớp học khác, tiết đầu tiên giáo viên cho bọn trẻ tự chơi với nhau một cách tự do, lúc này giáo viên sẽ có thể nhận ra tính cách của mỗi đứa một cách tự nhiên, từ đó sẽ có cách dạy riêng cho từng đứa chứ không dạy rập khuôn chung một cách.

Thường những lớp học này thì học phí sẽ chênh hơn các lớp học thông thường. Ngoài ra, chúng ta cần dạy con nói “không” một cách mạnh mẽ trước những tình huống xấu và đồng thời cải thiện kỹ năng giao tiếp để xây mối quan hệ bạn bè giúp đỡ cho mình khi bị bắt nạt.

5/ Gọi tổng đài trợ giúp

Nếu có tình huống cấp bách cần lời khuyên thì ba mẹ có thể gọi ngay tổng đài số 111 – đây là số của Hiệp hội bảo vệ trẻ em Quốc gia do Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH quản lý. Tổng đài làm việc 24/24 kể cả ngày lễ, tết. Trên đây là một trong số những cách Huỳnh cảm thấy hợp lý. Còn rất nhiều cách để giúp bé không bị bắt nạt, mọi người có thể tham khảo thêm nhiều thông tin ở những nguồn khác. Góc nhìn của mỗi người là khác nhau, vì vậy nếu có đóng góp mn cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến nhé. ❤

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *