Những năm gần đây, chúng ta đã quá quen thuộc với các phương pháp giáo dục trẻ em như Steam, Glenn Doman, Montessori, Reggio Emilia,… Trong đó phổ biến hơn cả là phương pháp Montessori. Nhiều trường mầm non đã đưa phương pháp này vào trường học như là chương trình bắt buộc. Nhiều phụ huynh cho con đi học trường Montessori với chi phí đắt đỏ, nhưng khi được hỏi Montessori là gì thì rất ít người có thể trả lời rõ ràng hoặc có khi hiểu nhầm.
Vậy Montessori là gì?
Montessori là một phương pháp giáo dục trẻ em được đặt theo tên gọi tắt của người phát minh ra nó – Bà Maria Montessori (1870-1952), một tiến sĩ y học người Ý. Bà là một trong những người tiên phong và có sức ảnh hưởng lớn trong lịch sử giáo dục mầm non.
Đặc điểm nổi trội của Phương pháp Montessori là nhấn mạnh đến vai trò của tính tự lập, tự do (trong khuôn khổ cho phép) trong việc hình thành nhân cách của trẻ.
Đôi nét về cuộc đời bà Maria Montessori

Năm 1896, sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ y khoa tại Ý bà làm bác sĩ phụ mổ cho một phòng khám chữa bệnh của Khoa thần kinh. Tại đây, bà tiếp xúc với những bệnh nhân là trẻ chậm phát triển. Trong quá trình quan sát bà có niềm tin rằng “Khiếm khuyết của tâm trí là vấn đề giáo dục chứ không phải là vấn đề y học.”
Năm 1899 – 1901, bà được giao phụ trách quản lý tại một trường giáo dục đặc biệt của nhà nước. Bà đã đào tạo ra một đội ngũ giáo viên để giáo dục trẻ em đặc biệt. Với sự hỗ trợ của cộng sự và sự nhiệt huyết nghiên cứu, phân tích của bà, những đứa trẻ đặc biệt ấy đã có thể vượt qua kì thi như những đứa trẻ bình thường khác.
Năm 1901, bà rời khỏi trường giáo dục đặc biệt. Với ý nghĩ đưa phương pháp này áp dụng cho những đứa trẻ bình thường, bà đã tiếp tục trang bị cho mình thêm kiến thức.
Năm 1904, bà làm giáo sư tại trường đại học Rome. Bà luôn tâm niệm rằng nếu đưa phương pháp bà nghiên cứu vào áp dụng cho những trẻ em bình thường sẽ đạt được hiệu quả rất cao.
Đến năm 1907, trường học đầu tiên của bà ra đời trong một khu ổ chuột ở Rome với tên “Ngôi nhà của trẻ”. Bà đã sinh sống với 60 đứa trẻ nghèo khổ. Tại đây, bà đã tạo ra một mốc son mới trong lịch sử giáo dục trẻ em.
Sự thay đổi của những đứa trẻ trong ngôi nhà ổ chuột đã nhận được sự chú ý của nhiều người tại nước Ý và trên thế giới. Trong đó có nữ hoàng của tỉnh Savoy nước Pháp, đại sứ nước Ý,… Nhiều người đã đích thân đến thăm những đứa trẻ và tìm hiểu về phương pháp giảng dạy.
Bà được mời đến các quốc gia như Pháp, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Áo, Anh, Sri Lanka,…. để giảng dạy. Sau đó, lần lượt cấc trường Montessori được mở. Những tác phẩm của bà được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Bà say mê làm việc cho đến phút cuối đời.
Montessori liên tiếp được đề cử giải Noel về hòa bình trong 3 năm 1949 – 1951.
Năm 1950, bà được tôn vinh là biểu tượng của giáo dục và hòa bình thế giới tại Đại hội của UNESCO tổ chức tại thành phố Florence nước Ý.
Ngày 6/5/1952, bà Maria Montessori qua đời tại Hà Lan, hưởng thọ 82 tuổi.
Sơ lược về phương pháp giáo dục Montessori
Theo Wikipedia phương pháp giáo dục Montessori về cơ bản là xây dựng mô hình phát triển của con người và các cách tiếp cận giáo dục đều dựa trên mô hình đó. Mô hình này bao gồm hai thành tố. Trước hết là trẻ và người lớn tham gia vào quá trình xây dựng tâm lý thông qua tương tác với môi trường xung quanh. Thứ hai là trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi – đối tượng có sự phát triển tâm lý bẩm sinh. Dựa trên những gì quan sát được, Montessori cho rằng trẻ nếu được tự do chọn lựa và hoạt động trong một môi trường được chuẩn bị kỹ càng, phù hợp với khả năng và giai đoạn phát triển, thì chúng sẽ phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của mình.
Đây là phương pháp giáo dục giúp thúc đẩy tiềm năng của trẻ thông qua việc tạo ra một môi trường học tập thân thiện, chuyên nghiệp với những giáo cụ học tập riêng biệt.
Bà Montessori đã phát hiện ra trẻ em có 6 thời kỳ mẫn cảm: ngôn ngữ, động tác và vận động trật tự, xã hội hóa, cảm giác giác quan, chi tiết hoặc những việc vụn vặt. Thời kỳ nhạy cảm vô cùng quan trọng với trẻ, vì đây là giai đoạn trẻ có thể rèn luyện khả năng của mình một cách dễ dàng nhất. Nếu bỏ qua giai đoạn này, trẻ sẽ rất khó hoặc có khi mất đi vĩnh viễn cơ hội rèn luyện khả năng đặc biệt đó.
Từ 0 – 3 tuổi, trẻ thấm hút mọi thông tin như một miếng bọt biển và không có chọn lọc. Từ 3-6 tuổi, trẻ tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc hơn và đã biết phản biện.
Nội dung của chương trình Montessori:
Giáo viên sẽ dựa theo các thời kỳ nhạy cảm của trẻ để lên kế hoạch hoạt động phù hợp cho từng bé theo từng độ tuổi.
Tại lớp học Montessori, chương trình học được chia thành 5 góc: Thực hành cuộc sống, Cảm quan, Toán học, Văn hóa, Ngôn ngữ.
– Góc thực hành cuộc sống: Trẻ được học tập các kỹ năng tự phục vụ bản thân (tự mang quần áo, tự ăn, tự sắp xếp đồ dùng,…); Chăm sóc môi trường xung quanh (tưới cây, trồng cây, vun đất,…); các bài học về duyên dáng lịch thiệp (nói lời cảm ơn, xin lỗi, giúp đỡ, quan tâm người khác,…)
– Góc cảm quan: Trẻ được học tập thông qua các giáo cụ nhằm phát triển 5 giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, vị giác)
Thị giác: trẻ học cách phân biệt màu sắc, hình dạng.
Thính giác: trẻ nhận biết được các âm thanh khác nhau,…
Khứu giác: trẻ ngửi và phân biệt được các mùi khác nhau.
Xúc giác: trẻ sờ và cảm nhận được bề mặt, chất liệu thông qua các giáo cụ.
Vị giác: trẻ nhận biết được các loại vị khác nhau thông qua giáo cụ lọ vị giác.

– Góc Ngôn ngữ: Trẻ học ngôn ngữ qua việc nghe, nói, đọc, viết với sự hỗ trợ của đa dạng các loại giáo cụ chuyên biệt.

– Góc Toán: Chương trình toán học của phương pháp Montessori giúp trẻ học những thông tin cơ bản để làm tiền đề cho chương trình lớp 1 như: học đếm, tính toán, hệ thập phân, hình học,… Điểm đặc biệt rằng Montessori cho phép trẻ nhận biết lượng trước khi nhận biết mặt số. Điều này giúp trẻ học một cách tự nhiên và không máy móc. Không giới hạn trong phạm vi 10 mà trẻ có thể tính toán với những con số hàng trăm, hàng nghìn,… nhưng lại không hề quá sức với trẻ mà thậm chí nó lại như một cuộc dạo chơi đối với trẻ.

– Góc Văn hóa: Trẻ được tiếp cận kiến thức về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, địa lý,… thông qua các giáo cụ và thông tin trực quan. Đây là góc học mở rộng tri thức cho trẻ giúp trẻ phát huy khả năng tìm tòi, sáng tạo của mình.

Khi trẻ được tự do lựa chọn công việc (trong khuôn khổ cho phép), trẻ sẽ chăm chú vào công việc và thể hiện sự vui vẻ, thích thú với công việc đó. Khi nguồn năng lượng của trí lực và tâm lý kết hợp với nhau, trẻ sẽ làm việc một cách không cần đôn đốc, khi ấy cảm giác trật tự sẽ được hình thành ở trẻ.
Với bài viết này, Huỳnh hy vọng sẽ giúp mọi người hiểu thêm một vài thông tin cơ bản về phương pháp giáo dục trẻ em Montessori. Nếu có thắc mắc hoặc đóng góp thông tin, bạn hãy để lại bình luận bên dưới nhé!