Chúng ta có lẽ chẳng còn xa lạ gì với phiếu bé ngoan nữa. Nhưng hãy dừng lại vài giây, nghĩ về những ngày còn nhỏ, lúc nhận được phiếu bé ngoan bạn có những cảm xúc như thế nào? Là vui mừng, hào hứng, là nâng niu hay phớt lờ?
Riêng ký ức của mình còn sót lại là chiếc tủ đựng quần áo được dán kín phiếu bé ngoan và mình thường đếm chúng mỗi khi lướt ngang qua đó. Ngoài ra không có một ý nghĩa gì đặc biệt về phiếu bé ngoan dù là câu nói “Con nghe lời cô giáo thì cuối tuần sẽ được nhận phiếu bé ngoan”.
Tuần trước mình nghe kể về một chuyện liên quan đến phiếu bé ngoan tại trường học. Trong một nhóm chat của lớp học mầm non, một phụ huynh đã nhắn hỏi cô giáo tại sao không phát phiếu bé ngoan cho bé. Bé đi học 2 tuần rồi nhưng không có một phiếu nào. Những phụ huynh khác vào nói rằng con họ đều có, chiều thứ 6 nào cũng được dán lên áo. Sau đó giáo viên vào xin lỗi bảo rằng chắc trong lúc chơi bạn làm rơi, để hôm sau cô phát bù lại cho bạn. Những tưởng mọi chuyện êm xuôi cả rồi. Nhưng không, phụ huynh lại làm lớn chuyện bảo giáo viên tại sao lại nói trẻ vô ý thức làm rơi và trả lời qua loa như thế.
Từ chuyện nhỏ xíu đối với người này nhưng lại là chuyện quan trọng đối với người khác.
Vậy phiếu bé ngoan có quyền lực gì ghê gớm đến thế?
Điều này không những liên quan đến thưởng/phạt trong môi trường giáo dục mà còn ở bất kỳ môi trường sống xung quanh chúng ta. Từ nhỏ, chúng ta đã quen với việc làm tốt sẽ thưởng, làm sai sẽ phạt cho nhớ. Và những trận đòn roi cũng xuất phát từ đây.
Bản thân mình cũng có vài trải nghiệm về thưởng phạt khi dạy học trò. Trước đây, theo cách dạy truyền thống, bao giờ mình cũng tặng sticker cho các bạn sau mỗi giờ học để động viên tinh thần. Nhưng khi mình hỏi lại về ý nghĩa của sticker thì hầu như các bạn không nói được, chỉ biết nó có hình dạng như thế nào thôi. Và sticker bị lãng quên ngay sau đó không lâu, đa phần sẽ không còn nguyên vẹn trước khi về nhà.
Sau này, mình đã thay đổi cách khen thưởng. Sự nỗ lực, cố gắng trong quá trình của các con sẽ quan trọng hơn là kết quả cuối cùng. Ngay cả người lớn chúng ta đôi khi cũng không thích những lời khen suông như “Giỏi quá/ xinh quá/ tuyệt vời lắm/ bạn xứng đáng được 10 người yêu/…”. Đa phần những lời khen này đều tập trung vào kết quả cuối. Không ai nói cho chúng ta rằng tại sao chúng ta giỏi, điều gì đã giúp chúng ta có được những thành tựu đó.
Trẻ em cũng thế, thay vì nói con giỏi quá hãy thay bằng “Lúc chiều ba đã thấy con tự cất balo, giày dép vào tủ đúng nơi sau khi đi học về mà không cần ba mẹ giúp. Ba mẹ thấy con rất giỏi đấy.” Hoặc “Trong lúc chúng ta chơi trò chơi cô đã để ý thấy bạn Bin đã đỡ bạn Sóc dậy khi bạn ngã. Bạn Bin rất có tinh thần giúp đỡ bạn bè, đây là việc làm tốt. Cô tuyên dương bạn Bin nhé.” Đây là cách tập trung vào ý chị nội tại của trẻ và giúp trẻ nhớ rất lâu về những trải nghiệm của mình.
Điều này giúp hình thành nội lực bên trong trẻ, trẻ có cảm giác tự hào về bản thân với những cố gắng của mình thay vì nỗ lực làm một thứ gì đó để nhận thưởng. Việc thưởng vô tình làm mất đi khả năng tự thân của con và khiến con bị lệ thuộc vào phần thưởng cho những lần sau. Sau này con dễ có xu hướng làm hài lòng người khác mà đánh mất đi chính mình. Liệu bạn có muốn trẻ thốt lên câu nói: “Con sẽ được thưởng gì khi con tự mặc quần áo?” không?
Bất kỳ một sự vô lý nào của trẻ đều có nguyên do. La khóc, không nghe lời, ương bướng là phần nổi của tảng băng chìm, cái chúng ta không nhìn thấy chính là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Việc tìm ra lý do, hiểu trẻ sẽ giúp chúng ta giải quyết được những rắc rối được cho là vô lý.
Trong Montessori sẽ không có thưởng và phạt mà tập trung vào tính tự kỷ luật. Ngay chính giáo cụ Montessori cũng thiết kế để trẻ tự kiểm soát lỗi Thưởng hay phạt chỉ là tác nhân bên ngoài mà bỏ qua khả năng tự nhận thức bên trong. Lớp học Montessori không có ghế phạt mà là góc tạm lắng. Đây là nơi bạn được tự do thư giãn, làm những việc bạn thích tại đó và đồng thời tự suy nghĩ về những việc làm của mình là đúng hay sai.
Thông qua những lỗi lầm con đều học được những bài học quý. Chúng ta lớn lên từ những sai lầm, những vấp ngã chứ ít ai trưởng thành từ những thuận lợi với tấm thảm trải hoa hồng. Nên đương nhiên việc con phạm sai lầm không phải là điều gì quá nghiêm trọng.
Và việc lựa chọn tự kỷ luật hay trừng phạt là quyết định của bạn.
Thưởng/phạt có thể thay đổi hành vi của trẻ ngay lập tức và làm hài lòng cha mẹ nhưng sẽ để lại những “tác dụng phụ” mà chúng ta không lường trước được.
Đối với trẻ bị phạt nhiều quá sẽ khiến trẻ rụt rè, thiếu tự tin, xấu hổ, không dám bày tỏ chính kiến,.. Điều này gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển và cuộc sống của trẻ sau này. Nếu được, mình sẽ không dạy con cách làm sao để trở thành đứa trẻ ngoan. Con có thể hư nhưng trong khuôn khổ cho phép và con sẵn sàng chịu hậu quả cho những việc làm của mình.
Chúng ta liệu có bao giờ thật sự suy nghĩ về phiếu bé ngoan?
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn tự trả lời được câu hỏi “Nếu không thưởng, không phạt thì phải làm thế nào?”
Như Huỳnh,
Một góc nhìn rất mới, cảm ơn bạn đã chia sẻ