Sư thật trẻ em có phải là “tờ giấy trắng” hay không?

Sự thật có phải trẻ em là tờ giấy trắng hay không?

Trong quá trình mình làm việc tại trường mầm non, mình bắt gặp rất nhiều sự đối lập về quan điểm giữa cha mẹ và ông bà trong vấn đề nuôi dạy con cái.

Đa số ông bà luôn cho rằng, trẻ em là tờ giấy trắng, mình muốn vẽ lên nó như thế nào cũng được. Trẻ chỉ cần ăn, chơi, ngủ đủ giấc là được rồi, học hành để sau. Ông bà luôn chú trọng hơn về cân nặng của trẻ.

Nhưng những ông bố bà mẹ hiện đại lại không đồng ý với quan điểm đó. Họ cho rằng, giai đoạn trẻ từ 0 – 6 tuổi là giai đoạn vàng để giáo dục, nếu bỏ lỡ quá trình này thì trẻ bỏ lỡ cơ hội phát triển vượt bậc.

Từ 0-6 tuổi được chia ra thành các thời kỳ nhạy cảm, mỗi thời kỳ trẻ cần tập trung phát triển ở một lĩnh vực nhất định mà khi bỏ lỡ rồi thì kỹ năng đó sau này không còn phát triển vượt bậc nữa.

Chẳng hạn như việc con sâu non biết tìm đến những lá non để ăn bởi vì trong giai đoạn đó nó nhạy cảm về ánh sáng, nó bò theo hướng ánh mặt trời. Khi đến được ngọn rồi thì nó dừng ở đó nghỉ ngơi và ăn những cái lá non xung quanh nó.

Điều này được chứng mình ở trong phòng thí nghiệm. Người ta đặt một con sâu trước 2 ống dẫn, một ống có ánh sáng ở trong còn một ống thì không. Con sâu lập tức bò vào ống dẫn có ánh sáng chứng tỏ nó đang trong thời kỳ nhạy cảm với ánh sáng. Nhưng khi nó lớn hơn một chút thì khả năng đó của nó đã biến mất, nó không còn nhạy cảm với ánh sáng nữa mà chuyển qua thời kỳ nhạy cảm khác. Những điều này mọi người có thể tìm hiểu thêm về 9 thời kỳ nhạy cảm của trẻ sẽ có rất nhiều thông tin.

Vậy trẻ em có thật sự là tờ giấy trắng, để chúng ta tùy thích vẽ gì lên đó cũng được hay không?

Mỗi người sinh ra trong đời đều mang những yếu tố tích cực và tiêu cực sẵn có ở bên trong chúng ta. Cụ thể hơn là yếu tố giới – định – tuệ và tham – sân – si. Chúng ta giáo dục trẻ hướng đến sự phát triển trí tuệ – đạo đức – nghị lực hay là phát triển 3 độc tố là do cách của chúng ta dạy con.

Đôi khi mình nhìn đứa trẻ mình cảm thấy nó rất dễ thương, nhưng có lúc mình lại thấy nó thật đáng ghét. Vậy điều đó là do đâu?

Khi 2 đứa trẻ cùng chơi một món đồ, một lát sau thì xãy ra đánh nhau, tranh giành đồ chơi. Lúc này cái tâm tham và sân đang vận hành trong đứa trẻ. Đứa trẻ tham vì muốn sở hữu món đồ đó, sân là vì muốn món đồ đó nên tranh dành, đánh nhau. Lúc này yếu tố 3 độc đang vận hành trong người trẻ, nếu chúng ta xuất hiện kịp thời để giáo dục thì 3 độc tố sẽ được xóa đi.

Chúng ta chịu khó giải thích rằng con là chị con phải nhường nhịn cho em, để em chơi một lát rồi đến lượt con. Lúc này đứa trẻ sẽ hiểu ra vấn đề và sự rộng lượng, vị tha, đạo đức sẽ hình thành. (Nhưng trường hợp này cần đây sâu hơn về việc có nên ép con nhường đồ chơi cho người khác hay không, mình xin được đề cập ở bài sau)

Như vậy, mọi người có còn tin trẻ em là thiên thần, là tờ giấy trắng nữa không? Hay là tờ giấy xám có lẫn trắng và đen ở trong đó? Trách nhiệm của chúng ta là tẩy đi những phần xám để những phần trắng xuất hiện. Hay nói cách khác là dạy trẻ những điều tốt để lấn đi những điều xấu.

Nhiều người nói rằng, tôi nuôi dạy cả chục đứa có đứa nào thèm giáo dục gì đâu mà nó vẫn lớn lên, trưởng thành như bao người khác. Vâng, đúng là những đứa trẻ đó vẫn lớn lên một cách bình thường, nhưng tại sao chúng ta không đặt câu hỏi rằng nếu những đứa trẻ đó được giáo dục theo một đường phương pháp đúng đắn thì trẻ sẽ có thể phát triển vượt bậc hơn cái mà chúng đang có bây giờ hay không?

Và nhiều người lớn lên nhưng đến tận 30 tuổi vẫn chưa biết mình sinh ra trong đời này với mục đích gì, mình tồn tại trên đời có phải chỉ để ăn, để ngủ, để kiếm tiền, để giàu có để hưởng thụ thôi hay không? Và cũng có rất nhiều người loay hoay trong câu hỏi vô định đó, trong đó có cả mình đã từng như thế.

Nhiều khi thấy mình học không biết để làm cái gì, học xong rồi có thật sự thích làm cái đó hay không, làm rồi thì thấy sao mình bị cuốn vào vòng lẩn quẩn và làm việc giống như một con zoombie.

Bản thân chúng ta, nếu đã từng lớn lên và bị rơi vào tình thế như vậy. Thì hãy ý thức việc giáo dục sớm cho trẻ, để trẻ có thể phát triển đúng theo khả năng, sở trường vốn có của mình một cách tối ưu, để sau này trẻ không bị rơi vào tình trạng giống như chúng ta đã từng.

Mỗi đứa trẻ có một thế mạnh riêng nhất định, việc phát hiện và bồi dưỡng thế mạnh đó là điều hết sức quan trọng. Cá nhân mình không ủng hộ việc trẻ học giỏi đều, những đứa trẻ giỏi đều thật ra nó chẳng giỏi nhất một cái gì cả. Nhưng những đứa chỉ học lực trung bình thôi nhưng nó lại vượt trội về một môn nhất định. Nếu chịu khó phát hiện và phát triển thì nó sẽ có thiên hướng trở thành thiên tài trong lĩnh vực đó.

Tại sao người dân ở một số nước lại rất văn minh, chính là vì nền giáo dục của nước họ được chú trọng phát triển từ sớm. Mình cũng đã từng ngại thay đổi vì đã quen với những điều cũ và tin đó là chân lý (vì được nhiều người nói đến), tuy nhiên đi theo số đông có khi chưa hẳn là đúng nhất.

Nhưng thay đổi để tốt hơn hiện tại hay không thay đổi để mọi thứ vẫn như cũ, có khi còn đi lùi là do quyết định của mỗi người.

Quan điểm của bạn như thế nào về câu nói “Trẻ em như tờ giấy trắng” ? Hãy cùng mình chia sẻ góc nhìn của bạn nhé!

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *