KHÁCH MỜI: Người truyền cảm hứng thực hành thông minh cảm xúc (EQ) đến cha mẹ

Thông minh cảm xúc

Chào mừng mọi người đến với chuyên mục “Chuyện tách trà” với số đầu tiên. Khách mời hôm nay là một mẹ bỉm sữa đặc biệt – người đã áp dụng thực hành thông minh cảm xúc (EQ) cho con. Chúng ta cùng đón xem những chia sẻ thú vị của chị Tâm Sicola nhé. 

Chào chị Tâm. Như Huỳnh rất vui khi có sự xuất hiện của chị ở số đầu tiên của chuyên mục “Chuyện tách trà”. Mời chị cùng uống tách trà nóng và giới thiệu đôi điều về mình nhé. 

Chị mới rót cho mình một ly trà Bancha nóng ấm nè. Trà Bancha là loại trà được thu hoạch từ những lá trà trên thân cây trà từ 3 năm trở lên, hay còn gọi là trà già ấy. Người ta nói, uống trà này thường xuyên sẽ giúp thanh lọc cơ thể và tăng cường sức đề kháng đó. 

Còn chị, người đang uống trà, là một cây viết còn khá trẻ và đang trên hành trình ngày một “già” hơn để giúp mọi người thanh lọc tâm trí, tăng cường nội lực và sống hạnh phúc hơn thông qua thực hành thông minh cảm xúc (EQ).

Câu chuyện khách mời
Câu chuyện khách mời số 01

Được biết đến với bút danh Mẹ Kính Cận – người đã thực hành thông minh cảm xúc cho con từ khi trong bụng mẹ, vậy đâu là động lực để chị quyết định tìm hiểu, nghiên cứu và trở thành người truyền cảm hứng trong lĩnh vực này?

Chị có cơ duyên được học về EQ từ sớm nhưng ban đầu, chị cứ nghĩ EQ giúp bổ trợ cho công việc là chính. Thế nhưng, khi áp dụng vào cuộc sống gia đình, chị mới nhận ra nó thật hữu ích. Lúc đó, chị ước như chị biết và thực hành sớm hơn thì đã tránh được những quãng thời gian “lên bờ xuống ruộng” trong gia đình. Cảm xúc tiếc nuối đó đã thôi thúc chị tìm hiểu nhiều hơn, thực hành nhiều hơn và lan tỏa một chút gì đó đến mọi người xung quanh.

Được biết chị là một blogger chia sẻ về lĩnh vực thông minh cảm xúc cho trẻ và có cộng đồng riêng của mình. Chị hãy giới thiệu đôi điều về blog và cộng đồng của chị được không? Động lực nào đã thôi thúc chị làm điều này? 

Ồ tới giờ quảng cáo rồi à? Để chị nhấp ngụm trà lấy giọng đã nhen.

Nói vui thôi, chị cũng mới xây một ngôi nhà nho nhỏ ấm cúng là chiếc blog mekinhcan.com để chia sẻ về những điều chị cảm nhận trong quá trình học và thực hành EQ trong gia đình. Nói đúng hơn thì chị nghiêng về phần thực hành EQ cho cha mẹ nhiều hơn. Vì theo chị, khi cha mẹ hiểu đúng, thực hành đều, thì sẽ góp phần nào đó để con trẻ cảm nhận được và học theo, đồng thời cũng nắm vững kiến thức để tìm được cách dạy con tốt hơn. 

Ngoài ra, chị cũng tạo một cộng đồng nho nhỏ là Cha mẹ thực hành trí tuệ cảm xúc (EQ) với mong muốn bên cạnh việc đưa ra những góc nhìn, những bài thực hành từ đơn giản đến nâng cao, thì còn có thể trò chuyện, lắng nghe tâm tình từ các bậc cha mẹ (hoặc những ai quan tâm đến việc phát triển mối quan hệ với bản thân và với con trẻ). 

Còn về động lực nào ấy hả? Nếu nói là để lan tỏa giá trị tốt đẹp đến mọi người không thôi thì chưa đủ và nghe giả giả thế nào ấy, phải không? (Mặc dù chuyện đó là có thật). Việc viết ra một cách bài bản khiến chị có động lực đào sâu nghiên cứu nghiêm túc hơn, sau đó thực hành trải nghiệm; và khi chia sẻ lại cũng là lúc chị được học thêm lần nữa, nhắc nhớ thêm lần nữa để “nhớ bài” tốt hơn. 

Chị hãy kể về hành trình và thành tựu chị đã đạt được khi quyết định tìm hiểu và áp dụng thông minh cảm xúc được không? Những kỷ niệm nào là đáng nhớ nhất đối với chị?

Một “thành tựu” dễ đo lường nhất là hồi mới lấy chồng, chưa biết gì về EQ, năm đầu tiên chị đều đều cãi nhau với chồng ít nhất một tháng một lần. Mà hồi ấy chị giận dai lắm. Những lần như thế, chị cảm thấy mình “tiêu hao” nhiều năng lượng lắm, và làm việc cũng kém hiệu quả hẳn luôn. Sau này, mình biết dừng lại để nhìn nhận cảm xúc của mình, tìm hiểu thông điệp của cảm xúc, lắng nghe và thấu cảm với đối phương nhiều hơn, nên cho dù bất đồng quan điểm vẫn xảy ra đều đều mấy năm qua nhưng mỗi lần như thế, chị thấy mình được tiếp thêm năng lượng để vun vén cho hạnh phúc gia đình nhiều hơn. Không biết có phải nhờ vậy không mà con chị cũng khá là biết cách điều tiết cảm xúc. Với chị, khi con biết gọi tên cảm xúc: “Mẹ ơi hôm nay con buồn quá, vì…”, hay “Mẹ ơi, con hồi hộp quá…”, “Mẹ ơi, con sợ…” cũng là một điều rất ý nghĩa rồi.

THÔNG MINH CẢM XÚC
Thông minh cảm xúc (EQ)

Nhiều bậc cha mẹ hiện nay vẫn chưa hiểu hoặc thậm chí bỏ qua khi nghe đến “Trí tuệ cảm xúc”. Dường như đây vẫn còn là phương cách giáo dục xa lạ đối với các phụ huynh. Chị có thể định nghĩa, giải thích rõ hơn về trí tuệ cảm xúc không?

Chị nghĩ cũng nhiều cha mẹ nhận thấy tầm quan trọng của EQ rồi ấy. Theo một khảo sát được tổ chức LightSpeed Singapore thực hiện trên 3,600 mẹ tại 6 nước Đông Nam Á (Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Indonesia, the Philippines and Malaysia), có đến 90% các bà mẹ cho rằng EQ cũng quan trọng không kém IQ, trẻ cần cả hai để thành công trong tương lai. Họ cũng nhận thức được tầm quan trọng của mình trong việc đồng hành cùng trẻ trên con đường phát triển EQ, chỉ là không phải ai cũng biết cách làm như thế nào. 

Với chị thì EQ cũng không “đao to búa lớn” lắm đâu. Khi cha mẹ giúp trẻ nhận biết và kiểm soát được những cảm xúc như tức giận, thất vọng, lo âu, thì đó là lúc cha mẹ giúp trẻ phát triển trí thông minh cảm xúc rồi đó.

Trong suốt quá trình đồng hành cùng con, điều gì khiến chị tâm đắc nhất khi thực hành EQ cảm xúc cho con mà chị muốn chia sẻ lại với mọi người? Cảm xúc của chị như thế nào khi trải qua các giai đoạn đó?

Nếu nói về việc đồng hành với con, thì việc chị tâm đắc nhất là giúp con hiểu được mọi cảm xúc đều là bạn. Con có quyền vui, buồn, đau khổ, sợ hãi, tuyệt vọng, bực dọc… Con có quyền cười to, nhảy loi choi, khóc, la hét, quăng ném…nếu việc đó giúp con giải tỏa được cảm xúc của mình, miễn là không gây tổn thương ai. Và sau cùng, con giải quyết cảm xúc đó như thế nào? Ví dụ, thay vì con bực mình và muốn ném đá vào em, con có thể thử ném đá vào gốc cây, sau đó nói với em điều gì đã làm con bực mình. Hay khi con sợ hãi không muốn làm điều gì đó, thay vì im lặng kìm nén, con có thể nói ra (hoặc vẽ ra, viết ra) cho người lớn biết là con rất sợ và không muốn làm. Vân vân. Một khi cha mẹ tạo cho con trẻ môi trường an toàn để chia sẻ mọi cảm xúc của mình, trẻ sẽ tin tưởng cha mẹ nhiều hơn, cha mẹ cũng học được cách lắng nghe con nhiều hơn. 

Cảm xúc của chị về hành trình này, là một chút tò mò xen lẫn háo hức. Với chị, tuổi con và tuổi mẹ bằng nhau (vì lúc sinh con ra mình mới bắt đầu làm mẹ mà), nên hành trình của mẹ và con là hành trình của 2 người bạn đồng trang lứa đang khám phá thế giới và từng bước “lớn lên” cùng nhau.

Chị Tâm Sicola và con trai
Chị Tâm Sicola và con trai

Hiện nay mạng thông tin ngày càng phát triển, vì thế những kiến thức giáo dục sớm cũng được chia sẻ nhiều hơn. Trước quá nhiều sự lựa chọn như vậy, thì theo chị, đâu sẽ là lựa chọn phù hợp nhất cho con khi áp dụng các phương pháp giáo dục mà thông minh cảm xúc là một trong những sự lựa chọn đó? 

Theo chị thì mỗi đứa trẻ có đặc điểm tính cách riêng, mỗi gia đình lại có phong cách, văn hóa riêng, nên việc giáo dục con trẻ cũng không thể đồng nhất hay rập khuôn cho tất cả. Khi cha mẹ – người gần gũi nhất với trẻ – quan sát mình, nhận biết cảm xúc, hành vi của mình; song song với quan sát, trò chuyện với trẻ hàng ngày và nhận biết cảm xúc, hành vi của trẻ, từ đó sẽ có được bài học và cách hướng dẫn thực hành phù hợp với trẻ nhất.

Để tìm hiểu và thực hành thông minh cảm xúc cho con thì theo chị các bậc cha mẹ nên bắt đầu từ đâu để không bị quá tải thông tin mà vẫn đúng lộ trình? Chị có thể chia sẻ cách chị đã thực hành cùng con trong suốt nhiều năm qua không? Chị đã bắt đầu như thế nào?

Cha mẹ có thể bắt đầu từ việc gọi tên cảm xúc của mình và khuyến khích con làm điều tương tự. Có thể bắt đầu từ những cảm xúc cơ bản như vui vẻ, buồn bã, sợ hãi, tức giận, ngạc nhiên… Và sau đó tăng vốn từ vựng về cảm xúc nhiều dần lên. Rồi thì trò chuyện với nhau để tìm cách ứng xử khi cảm xúc đến, sao cho bản thân và người xung quanh đều cảm thấy thoải mái.

Kế đến, cha mẹ có thể cùng trẻ quan sát cảm xúc của người xung quanh, đoán xem họ đang nghĩ gì, cảm xúc của họ thế nào, có thể có những nguyên nhân nào dẫn đến hành động của họ.

Trẻ lớn hơn một chút, cha mẹ có thể gợi mở cho con về xây dựng giá trị bản thân “Con muốn trở thành người như thế nào”, nuôi dưỡng lòng trắc ẩn (đôi khi chỉ đơn giản là trồng một cái cây hoặc chăm sóc một con thú cưng, hoặc giúp đỡ ai đó), tăng cường sự tự tin, nội lực để con vượt qua những thất bại (bằng cách tránh so sánh con với ai đó, cổ vũ con phát huy điểm mạnh…), tạo cho con thói quen suy nghĩ lạc quan và hướng đến cách giải quyết vấn đề (trước một vấn đề, có những phương án xử lý nào, mỗi phương án có lợi – hại gì)… Nhiều lắm! Việc này giống như mình gieo một hạt mầm và tưới tắm, chăm bón đều đặn để nó lớn lên từng chút mỗi ngày vậy.

Chị có gặp khó khăn gì trong quá trình áp dụng trí tuệ cảm xúc cho con không? Có khi nào chị rơi vào khủng hoảng không? Và chị đã vượt qua điều đó như thế nào?

Trộm vía là chị chưa rơi vào khủng hoảng, có lẽ do chị xem việc đó nhẹ nhàng như một cuộc dạo chơi công viên với con, chứ không phải là một cuộc chạy đua marathon. Hì hì. Không có gì hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai. Mà lỡ sai thì sửa chứ có sao đâu. Đó cũng sẽ là bài học kinh nghiệm cho mình mà. Với chị, quan trọng nhất là mình không buông xuôi, không mặc kệ mối quan hệ của mình với con muốn ra sao thì ra, mà mình luôn có tinh thần học hỏi và ý muốn tốt hơn mỗi ngày.

Trên hành trình của mình sẽ không tránh khỏi những chông gai. Vậy ai là người đã tiếp lửa cho chị trên con đường này?

Umm, thường thì tự chị là người tiếp lửa cho chị nhiều nhất. Chứ chờ đợi ai đó “cứu vớt” thì lâu quá. Kế đến thì phải kể đến con trai chị. Khi mình quan sát con một cách chánh niệm, mình sẽ học được rất nhiều điều từ con luôn đó em. Chị xem con như một người thầy vậy đó. Và, một người cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng, chị chưa hề nói với ai và đây là lần đầu tiên chị “bật mí” luôn, đó là mẹ chồng chị. Bà là người “dẫn dắt” chị biết về EQ, thường xuyên chia sẻ cho chị những điều hay mà bà góp nhặt được ở đâu đó, và luôn “máu lửa” để chị học theo. 

Chị có hối hận hay hối tiếc về điều gì trên hành trình truyền cảm hứng thực hành EQ cảm xúc cho bậc cha mẹ không? 

Hối hận ấy à? Nếu mà hối hận vì làm điều gì đó sai trái trên hành trình này, thì có lẽ chị chưa gặp phải. Chỉ có một chút tiếc nuối là nhiều khi chị truyền cảm hứng cho các cha mẹ khác được nhiều hơn là cho anh xã nhà chị ấy. Anh ấy hiếm khi đọc bài chị viết lắm, vì hay bị dài dòng quá. “Bụt nhà không thiêng” hay sao ấy nhỉ? Hì hì. Thế nên chị vẫn phải bền bỉ học hỏi – thực hành – chia sẻ mỗi ngày; và nghiên cứu những cách thực hành vô cùng ngắn gọn dễ hiểu để ông xã chị còn học được thì chắc là ai cũng có thể học được.

Một vài thông tin cho rằng chị có viết một cuốn sách. Chị có thể chia sẻ về cuốn sách này được không? Lý do vì sao chị quyết định viết sách và chị mong muốn truyền thông điệp gì thông qua cuốn sách đầu tay này?

“Một vài thông tin cho rằng chị có viết một cuốn sách”, chị nghe câu này mà buồn cười quá đi. Câu hỏi dễ thương gì đâu. Tin đồn là có thật nha! 

Lý do mà chị viết sách là để trả lời đầy đủ cho câu hỏi số 8 của em ở trên đó! Trải qua quá trình thực hành, chị muốn tổng hợp lại thành một quyển cẩm nang nho nhỏ để chia sẻ với mọi người. Chị vốn đọc rất nhiều sách nuôi dạy con, nhưng đôi khi lý thuyết nhiều quá nên chị đọc trước quên sau và có khi đọc xong mà không biết sẽ ứng dụng thế nào. Cho nên chị viết quyển sách của mình, với những trò chơi, những bài thực hành cụ thể để cha mẹ có thể đọc phát là làm được liền luôn. Đặc biệt là nó không đưa ra những bài tập rập khuôn, mà chỉ cách cho cha mẹ linh động điều chỉnh phù hợp cho riêng đứa trẻ của mình.

Chị có thể chia sẻ một chút về dự định của chị trong năm nay không? Điều gì sẽ thôi thúc chị mãnh liệt trong thời gian tới?

Dự định của chị là, nếu mọi người đón nhận, chị sẽ viết thêm vài cuốn sách nữa nè. Bên cạnh đó, chị cũng sẽ tiếp tục chia sẻ những gì chị học và thực hành thông qua blog, trên Group cha mẹ thực hành trí tuệ cảm xúc (EQ), các buổi workshop, các khóa học… Điều thôi thúc chị nhất là ý muốn tốt hơn mỗi ngày và lan tỏa được kiến thức về EQ đến càng nhiều cha mẹ càng tốt, để các thành viên trong gia đình kết nối với nhau nhiều hơn, sống có mục đích hơn.

Tách trà của chúng ta cũng đã vơi dần, sau buổi trò chuyện hôm nay chị cảm thấy  “vị trà” như thế nào? Chị có điều gì gửi gắm đến mọi người không?

Ôi, vừa hay chị cũng mới uống hết tách trà của chị nè. Chị rất biết ơn những câu hỏi trong buổi trò chuyện này, để chị có dịp nhìn lại hành trình mình đã đi qua, tri ân hiện tại và hướng đến những dự định trong tương lai. Tóm lại là cảm giác hừng hực khí thế luôn. 

Chúc cho Huỳnh và những ai đang đọc bài viết này đều hài lòng với hành trình mà mình đang chọn lựa và vững tin bước tới nhé!

Mong có dịp được ngồi uống trà tâm tình với Huỳnh lần nữa vào một ngày không xa.

Cảm ơn khách mời

Như Huỳnh cảm ơn chị Tâm Sicola đã nhận lời uống tách trà tâm tình chuyện bọn trẻ đầu năm. Cuộc trò chuyện hôm nay đã giúp Huỳnh hiểu thêm về thông minh cảm xúc (EQ) cũng như vài điều thú vị về chị Tâm. Hy vọng trong tương lai hai chị em sẽ có dịp gặp nhau để tỉ tê với nhau nhiều hơn. Huỳnh xin chúc cho các dự định năm mới của chị sẽ luôn thuận lợi và phát triển hơn nữa, chúc chị và gia đình luôn an nhiên và hạnh phúc.

Cảm ơn mọi người đã theo dõi câu chuyện của chị Tâm về thực hành EQ trí tuệ cảm xúc trong kỳ này. Chúng ta cùng chờ đón khách mời thú vị tiếp theo ở số 02 tại blog lenhuhuynh.com nhé!

 

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *