1.Thuận tiện trong việc đưa đón
Một ngôi trường gần nhà, gần cơ quan ba mẹ hẳn sẽ thuận tiện hơn rất nhiều trong suốt quá trình cho con đi học. Những lúc con ốm đau có thể nhanh chóng đến trường kịp để đưa con đi khám, những lúc tan làm không phải vội vả vượt cả dãy người chen chúc ngoài đường để kịp đón con đúng giờ.
Tuy nhiên mình vẫn thấy một số ba mẹ cho con học ở trường cách nhà cả chục cây số, dù nắng hay mưa, vẫn đều đặn chở con đi học. Đó là vì họ cảm thấy hài lòng, tin tưởng ở môi trường đó, hơn hết họ có thời gian làm việc linh hoạt, thoải mái hơn người khác và họ có ông bà phụ giúp đưa đón.
2. Học phí phù hợp:
Hẳn là ba mẹ nào cũng muốn cho con học ở môi trường giáo dục tốt nhất. Nhưng trường học có tốt đến cỡ nào cũng cần phải cân đo đong đếm lại xem có phù hợp với tài chính lâu dài của gia đình hay không.
Có thể trong thời gian chiêu sinh có những ưu đãi học phí rất cao lên đến 50% và thời hạn áp dụng lên đến 3-6 tháng. Nhưng cho con đi học là quá trình lâu dài không phải ngày một ngày hai, điều này không giống với việc mua một món đồ với giá hời.
Có một sự thật mình muốn chia sẽ là đa số quảng cáo đều đánh vào lòng tham của mọi người, họ dựa lên tâm lý đám đông để tạo ra các chiến thuật quảng cáo thu hút khách hàng. Chẳng hạn như ham giá rẻ, sợ đánh mất cơ hội, sợ người khác dành lấy ưu đãi đó trước mình hoặc là quá tin vào những lợi ích mà họ đưa ra.
Trường học cũng là một hình thức kinh doanh, mình không phản đối marketing. Nhưng marketing trong trường học cần phải đi sát với thực tế của trường để giữ đúng triết lý giáo dục.
Khi chọn trường cho con bạn đừng quá tin vào quảng cáo mà hãy đến trực tiếp tham quan, đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí và góc độ đa chiều.
Mình có biết một trường không hề marketing, truyền thông nhưng vẫn thu hút sự tín nhiệm của đông đảo quý phụ huynh. Đó là vì tâm huyết của người chủ trường và giáo viên, họ không hề chạy theo các xu hướng để liên tục quảng bá hình ảnh hoạt động trên Fanpage nhưng vẫn thể hiện được chất lượng cũng như tình yêu vô tận dành cho những đứa trẻ của mình. Tất nhiên trường này có mức học phí chênh hơn những trường cùng phân khúc.
Khi mình đăng bài về những chủ đề này, thỉnh thoảng có một vài phụ huynh nhắn tin nhờ mình tư vấn giúp trường tốt nhất. Nhưng như thế nào là trường tốt nhất? Mình hay đùa vui rằng mình ở tần số nào sẽ gặp những người cùng trường năng lượng như thế. Sẽ có một vài trường phù hợp với bạn, nhưng bạn sẽ chọn trường có cùng quan điểm giáo dục giống bạn và bạn tin tưởng vào nơi đó.
Chính vì vậy mình chỉ nắm thông tin của người nhờ mình tư vấn và liệt kê một vài trường trong khả năng kinh tế của họ để họ nghiên cứu thêm rồi đưa ra quyết định cuối cùng. Đương nhiên mình có chỉ một số mẹo để giúp họ nắm bắt được nhiều thông tin hơn ngay từ lần đầu đến tham quan trường.
3. Thuyền trưởng và triết lý:
Người thuyền trưởng vững vàng triết lý, có một niềm tin, lối sống sâu sắc, mạnh mẽ sẽ chèo lái được cả đoàn tàu đi rất xa và lâu dài.
Một triết lý giáo dục đúng đắn sẽ như là bản chỉ đường giúp cả đoàn tàu không đi chệch hướng.
Mình có biết một vài chủ trường cực kỳ tâm huyết và có đội ngũ nhân sự vô cùng đoàn kết. Khi đến tham quan trường, bạn có thể xin hẹn với cô Hiệu trưởng hoặc chủ trường để được biết rõ hơn về triết lý nhà trường.
4. Môi trường
Môi trường bên ngoài: có không gian thoáng, không bị gò bó, có sân vườn, khu vui chơi ngoài trời. Môi trường lớp học sạch sẽ, có đủ đồ dùng phục vụ việc sinh hoạt, học tập, vui chơi cho các con. Trường nào có tủ sách cho giáo viên và cho trẻ thì trường đó thật sự quan tâm đến môi trường giáo dục tam bảo (thầy-sách-bạn).
Môi trường bên trong: một ngôi trường tràn ngập sự vui vẻ của các con, thầy cô giáo hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau; cấp dưới kính trọng cấp trên, cấp trên nâng đỡ cho cấp dưới và không tạo ra khoảng cách quá xa giữa nhân viên và sếp. Một môi trường như vậy sẽ luôn luôn tạo ra nhiều điều mới, điều hay và luôn luôn tích cực. Một môi trường tràn ngập yêu thương và hạnh phúc.
Thường khi đến tham quan trường, bạn hãy quan sát cách giao tiếp giữa mọi người trong trường với nhau như thế nào, từ bác bảo vệ đến cô tạp vụ, rồi đến giáo viên với trẻ, ban giám hiệu với nhân viên,… Những cử chỉ hằng ngày sẽ nói lên được phần nào môi trường giáo dục ở nơi đó.
5. Giáo viên
Một người giáo viên có bằng cấp cao, có nhiều giải thưởng chưa hẳn là người giáo viên tốt. Người giáo viên tốt là người luôn làm việc bằng cái tâm của mình.
Vì vậy ba mẹ đừng chỉ hỏi đến bằng cấp, chứng nhận của các cô. Những cái đó ở thời đại này hoàn toàn có thể làm giả hay chỉ là hình thức để gắn mác mà thôi. Hãy nhìn vào sự tận tâm trong công việc của người giáo viên.
Thỉnh thoảng khi các phụ huynh đến tham quan trường ở nơi mình từng làm việc, các phụ huynh hỏi rất cặn kẽ việc giáo viên đã có chứng chỉ Montessori chưa và yêu cầu được xem những chứng chỉ đó. Mình chỉ đơn giản đưa cho các phụ huynh xem về hình ảnh chụp giáo viên trong các buổi tống kết khóa học Montessori.
Và nhiều khi để đánh giá một người là đánh giá cả một quá trình chứ không phải chỉ là một giây phút chớp nhoáng nào đó. Có thể điều bạn thấy chưa hẳn là tất cả, hãy nhìn trên phương diện đa chiều để có cái nhìn bao dung và chuẩn xác hơn.
Ai đó đã từng nói, nghề giáo là một nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề. Và mình thấy rằng giáo viên mầm non là một nghề cao quý nhất – một nghề cần tình thương hơn tất cả. Ở những bài viết sau, mình sẽ đề cập nhiều hơn đến những góc khuất hành nghề của những người giáo viên mầm non. Để chúng ta hiểu, cảm thông và có cái nhìn bao dung hơn với các cô giáo mầm non.
